Nhiều cộng đồng cư dân gốc Á khắp nơi trên thế giới sắp bước vào năm mới Kỷ Hợi. Điều này đồng nghĩa với việc hình ảnh những chú lợn sẽ xuất hiện khắp nơi trong đời sống, từ trang trí, đồ chơi, quà tặng cho tới quảng cáo trên đường phố.
Tuy nhiên, con lợn, con giáp thứ 12 của những cộng đồng sử dụng lịch âm, lại bị coi là sinh vật không sạch sẽ và bị cấm ăn dưới mọi hình thức trong tín ngưỡng của người Hồi giáo. Điều này khiến cho dịp Tết Kỷ Hợi trở nên phức tạp hơn đối với các quốc gia Đông Nam Á, nơi người ăn Tết âm lịch sinh sống cạnh những cộng đồng Hồi giáo lớn.
Ăn Tết con lợn giữa cộng đồng Hồi giáo
Cũng giống như hầu hết gia đình người Malaysia gốc Hoa, Tết âm lịch là khoảng thời gian quan trọng với của gia đình ông Chow, chủ một nhà máy sản xuất bánh ngọt tại thị trấn Patu Bahat, tỉnh Johor.
Năm nay, dịp Tết lại càng đặc biệt quan trọng bởi cả ba người trong gia đình, ông Chow, người vợ Stella và cô con gái đều sinh ra trong năm Hợi.
"Chúng tôi sẽ trưng bày rất nhiều đồ trang trí may mắn hình con lợn, và tất nhiên chúng tôi chào đón bạn bè, họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp tới thăm, không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc của họ. Tết âm lịch là dành cho tất cả mọi người", ông Chow nói.
Malaysia là một quốc gia đa văn hóa, nhưng tôn giáo chính thức là Hồi giáo. Những năm qua, số lượng các trường hợp bị trình báo về hoạt động thiếu tôn trọng, xúc phạm tới Hồi giáo đang gia tăng.
Trong năm mới Mậu Tuất vừa qua, nhiều cửa hàng và thương nhân được khuyến cáo tránh sử dụng hình ảnh chó, với lo ngại có thể xúc phạm cộng đồng Hồi giáo.
"Năm ngoái quả thật có nhiều sự ồn ào", ông Chow thừa nhận khi nhắc lại Tết âm lịch Mậu Tuất. Đối với người Hồi giáo, chó cũng là một loài sinh vật không thuần khiết.
Ông chủ xưởng bánh ngọt tại Johor cho rằng nhà chức trách Malaysia đã nhìn nhận không chính xác về tâm tư và quan điểm của cộng đồng người Hoa, vốn chỉ muốn kỷ niệm dịp Tết âm lịch.
"Malaysia là một quốc gia với nhiều chủng tộc, không chỉ có riêng người Hồi giáo Malay. Chúng tôi cũng có các cộng đồng người Hoa và người Ấn, cũng như các tôn giáo khác như Công giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Chúng ta nên dành sự tôn trọng với đức tin và việc kỷ niệm của những người khác", ông Chow nói.
Nói về Tết âm lịch Kỷ Hợi năm nay, ông Chow tỏ ra lạc quan khi cho biết không còn tình trạng kiểm duyệt như năm vừa qua. Người đàn ông không hề lo lắng việc bài trí với đồ trang trí hình con lợn có thể xúc phạm tới những người khác. Ông Chow tin rằng năm nay sẽ không có quá nhiều tranh cãi trong dịp năm mới.
"Con lợn đầu tiên người Hồi giáo ăn"
Dù là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia coi Tết âm lịch là ngày lễ quốc gia. Hoạt động kỷ niệm tại nơi công cộng được chấp nhận rộng rãi tại quốc gia vạn đảo, với đèn lồng đỏ, diễu hành và những màn biểu diễn đậm màu sắc văn hóa người Hoa tại nhiều thành phố.
Merry Olivia, một cư dân tại thủ đô Jakarta, cho biết những người Hồi giáo tại đây chào đón hình ảnh những chú lợn khi Tết Kỷ Hợi đến gần.
"Tôi lớn lên với nhiều người Hồi giáo Indonesia, tôi biết con lợn không làm họ thoải mái. Nhưng nếu so sánh lợn với những con giáp khác, như rắn chẳng hạn, lợn lại thành ra đáng yêu hơn, vì thế người ta sẽ mua đồ trang trí nhà cửa hình con lợn", Olivia cho biết.
Trong khi đó, đầu bếp chuyên làm bánh ngọt Baker Valeria Rita đã ra mắt một món ăn mới nhân dịp năm mới âm lịch, bánh quy hình con lợn với nhân mứt dứa ngọt.
Rita cho biết các khách hàng phản ứng rất tích với món bánh mới ra mắt. "Cam hoặc quýt là biểu tượng phổ biến cho năm mới âm lịch. Năm nay, chúng tôi quyết định tạo ra các món ăn hình con lợn và các đơn hàng đã đầy chỉ trong vòng hai tuần".
Điều đáng nói ở chỗ rất nhiều khách hàng của món bánh hình lợn mới ra mắt là người Hồi giáo. "Họ mua bánh cho các đồng nghiệp và bạn bè người Hoa, những người mong chờ dịp Tết nhất. Một số người thì mua cho bản thân vì họ cũng thích lợn".
Rita cho biết một trong những người bạn của cô, một người theo đạo Hồi, nói đùa rằng món bánh quy này là "những con lợn đầu tiên người Hồi giáo được phép ăn".
Vẫn còn tranh cãi
Không phải tất cả người Hồi giáo đều rộng lượng với Tết âm lịch. Diễn đàn Hồi giáo Bogor (FMB), một tổ chức Hồi giáo bảo thủ tại phía Tây đảo Java, mới đây đã đăng tải bức thỉnh nguyện thư yêu cầu nhà chức trách Indonesia hủy bỏ Tết âm lịch. Tổ chức này tuyên bố Tết âm lịch là sự kiện "không phù hợp" bởi nó làm "suy giảm đức tin Hồi giáo".
Hành động của FMB được nhiều nhóm Hồi giáo khác hưởng ứng, trong đó có Pemuda Pancasila và Persatuan Forum Komunikasi Pemuda Melayu. Đây là hai tổ chức từng lên án việc cộng đồng người Hoa ăn mừng kỷ niệm Tết nguyên đán trong quá khứ.
Nhà phân tích Thung Ju Lan từ Viện Khoa học Indonesia nhận định tâm lý chống Tết nguyên đán là hệ quả của "những bài tường thuật thiếu khoan dung và mang động cơ chính trị".
"Vấn đề thiếu khoan dung vẫn tiếp diễn bởi người ta không thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng ta càng không thấu hiểu nhau, chúng ta sẽ càng ít dung thứ cho người khác", ông Thung nói.
Đối với nhiều người Hồi giáo tại Indonesia cũng như Malaysia, Tết nguyên đán là sự kiện mang tính tôn giáo, thay vì tính văn hóa như bản chất của sự kiện đã có hàng nghìn năm tuổi này.
Để bảo vệ Tết âm lịch và các cộng đồng dân cư kỷ niệm sự kiện này, Bộ trưởng Tôn giáo Lukman Hakim Saifuddin đã lên tiếng kêu gọi người dân Indonesia tôn trọng tín ngưỡng của các cộng đồng dân cư có văn hóa và tôn giáo khác biệt.
"Dù mọi người có hiểu như thế nào về sự kiện Tết nguyên đán, tôi kêu gọi tất cả hãy tôn trọng truyền thống này", ông Saifuddin nói.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)