Trung Quốc đòi điều tra 'tội ác diệt chủng' của Canada: Nhiều người bản địa bị sát hại trong thầm lặng?

24/06/2021 13:49:58

Trung Quốc đòi điều tra tình hình nhân quyền ở Canada và viện dẫn vụ phát hiện hàng trăm hài cốt trẻ em ở trường nội trú cũ ở British Columbia.

Trung Quốc đòi điều tra 'tội ác diệt chủng' của Canada: Nhiều người bản địa bị sát hại trong thầm lặng?
Người dân đến đài tưởng niệm 215 trẻ em xấu số tại khuôn viên trường nội trú Kamloops Indian hôm 6/6. Ảnh: Reuters

Trong khi Ottawa thúc đẩy điều tra các cáo buộc lạm dụng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc, Bắc Kinh đã dùng đòn "phủ đầu" khi kêu gọi một cuộc điều tra độc lập vụ phát hiện hài cốt hơn 200 trẻ em bản địa ở Canada.

Canada ngày 22/6 đã kích động căng thẳng với Trung Quốc khi kêu gọi Liên hợp quốc mở cuộc điều tra quốc tế về tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương tại cuộc họp của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ.

Theo báo Washington Post, Bắc Kinh cũng ngay lập tức phủ đầu khi một nhà ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc mở một cuộc điều tra về vụ việc Canada tìm thấy 215 hài cốt trẻ em tại một trường nội trú. Ông Jiang Duan, đại diện Trung Quốc tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc tuyên bố: "Chúng tôi vô cùng lo ngại về những vi phạm nhân quyền đối với người bản địa ở Canada".

Trung Quốc đòi điều tra "tội ác" của Canada

Đề cập đến vụ việc phát hiện hài cốt của 215 trẻ em, trong đó có một số trẻ mới 3 tuổi, vốn là học sinh của trường nội trú Kamloops Indian ở British Columbia, ông Jiang cho biết, Trung Quốc và các nước thân cận khác đã kêu gọi một "cuộc điều tra kỹ lưỡng và công bằng" không chỉ về vụ việc này mà còn về những tội ác nhìn chung của Canada đối với người bản địa.

Trong số quốc gia thân thiết mà ông Jiang đề cập đến có Belarus, Triều Tiên và Syria, đều là những nước đã từng bị các nước phương Tây chỉ trích vì vi phạm nhân quyền.

Yêu cầu của phía đại diện Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi các quan chức Canada kêu gọi Trung Quốc cho phép người đứng đầu Liên Hợp Quốc "tiếp cận ngay lập tức, có ý nghĩa và không bị ràng buộc" khu vực Tân Cương đề điều tra hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ bất hợp pháp trong các trại cải tạo.

Trung Quốc đòi điều tra 'tội ác diệt chủng' của Canada: Nhiều người bản địa bị sát hại trong thầm lặng? - 1
Bên ngoài cơ sở được cho là trại cải tạo dành cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuyên bố cũng đề cập đến vấn đề ở Hồng Kông và Tây Tạng. Đại sứ Canada tại Liên Hợp Quốc Leslie Norton nhấn mạnh: "Chúng tôi quan ngại nghiêm trọng tình hình nhân quyền ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ… Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền".

Màn đấu tay đôi này đánh dấu sự suy giảm mới nhất trong quan hệ giữa Canada và Trung Quốc, vốn đã xấu dần đi do các xung đột về nhân quyền, thương mại và cáo buộc "ngoại giao con tin".

Nó cũng thể hiện sự chia rẽ sâu sắc về địa chính trị và ý thức hệ ở cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc. Iran, Nga và Venezuela ủng hộ Trung Quốc yêu cầu mở cuộc điều tra ở Canada. Trong khi đó, hơn 40 quốc gia đã ký vào tuyên bố chung Norton với Canada, bao gồm Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Tây Ban Nha, trích dẫn báo cáo về tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, cưỡng ép con cái phải xa cha mẹ ở Tân Cương.

Mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh bùng nổ căng thẳng kể từ năm 2018, khi giới chức Canada bắt giữ Giám đốc Điều hành Huawei bà Mạnh Vãn Chu sau khi Mỹ yêu cầu dẫn độ "công chúa" Huawei do liên quan đến cáo buộc gian lận hình sự. Bà Mạnh hiện bị quản thúc tại gia ở Vancouver.

Ngay sau đó, Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, với cáo buộc hoạt động gián điệp. Cả hai vẫn bị Bắc Kinh giam giữ cho đến nay bất chấp nỗ lực kêu gọi trả tự do của Canada.

"Sự thật của Trung Quốc ở đâu?"

Hồi tháng 5, vụ việc 215 hài cốt trẻ em được tìm thấy ở Canada, gồm cả những đứa trẻ bản địa dưới 3 tuổi, khiến nhiều người Canada sửng sốt. Vào năm 2015, Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada đã kết luận rằng, việc nhiều trẻ em bản địa bị buộc phải tách khỏi gia đình và bị đối xử tàn nhẫn tại các trường học từ năm 1883-1996 đã đủ cấu thành tội "diệt chủng văn hóa".

Nhưng Canada xem lời kêu gọi điều tra của Trung Quốc là "sự khơi mào xung đột địa chính trị". "Ở Canada, chúng tôi đã có Ủy ban Sự thật và Hòa giải. Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Trung Quốc ở đâu? Sự thật của Trung Quốc ở đâu", Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 22/6.

Nhà lãnh đạo Canada tiếp tục phản ứng gay gắt, giận dữ và nhấn mạnh: "Trung Quốc thậm chí không nhận ra rằng có một vấn đề đang xảy ra tại Tân Cương, đó là một sự khác biệt cơ bản và là lý do tại sao người Canada và mọi người dân trên khắp thế giới đang lên tiếng vì cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ".

Truyền thông Trung Quốc gần đây cũng phản ứng gay gắt trước những nỗ lực của Canada trong việc thúc đẩy một cuộc điều tra về các cáo buộc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ. Tờ Global Times với quan điểm diều hầu của Trung Quốc mới đây có bài viết cho rằng, Canada, Anh và Mỹ là một nhóm kích động gây ra "cơn cuồng loạn Tân Cương toàn cầu".

Các nước phương Tây liên tục chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đã bày tỏ hy vọng sẽ đến thăm Tân Cương trong năm nay để điều tra các báo cáo về lao động cưỡng bức và tra tấn. Trong gần 3 năm qua, bà Bachelet nỗ lực đàm phán với Bắc Kinh để có thể được cho phép đến Tân Cương để phục vụ cuộc điều tra nhưng thất bại.

Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc và nói rằng những người Duy Ngô Nhĩ được đưa đến các cơ sở đào tạo nghề, đồng thời chỉ trích các nước phương Tây can thiệp công việc nội bộ, xuyên tạc sự thật và kiềm chế đà phát triển của nước này.

 

Nổi bật