Trong một casino được trang hoàng lộng lẫy, những chiếc đèn chùm treo trên trần nhà, khói thuốc lá lơ lửng trong không trung, trong khi không khí ở các bàn cá cược ngày càng nóng. Các lá bài được hạ xuống, dân chơi bạc tung từng nắm phỉnh trị giá 100 USD, đám đông khách du lịch Trung Quốc hét lên hào hứng.
Đây không phải là Las Vegas, cũng không phải ở Macau. Đây là Sihanoukville, nơi từng là thành phố biển ngủ quên của Campuchia, nay đã trở thành vùng đất "màu mỡ" cho các casino do người Trung Quốc làm chủ.
Những tòa nhà chọc trời và công trình mái vòm được ánh đèn neon bao phủ đã khiến Sihanoukville lột xác chưa đầy 2 năm. Thành phố này sẽ có hơn 70 công trình như vậy vào cuối năm nay.
Là một cảng nước sâu duy nhất của Campuchia và là tuyến đường thương mại sống còn của sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc, thành phố này đã trở thành tâm điểm cho dòng đầu tư từ Bắc Kinh.
Các dự án xây dựng lớn cho Trung Quốc xây dựng tràn ngập ở hầu khắp các ngóc ngách của thành phố trong khi các nhà hàng, doanh nghiệp Trung Quốc dàn hàng dài ở các đường phố chính.
Ven biển miền Nam Campuchia hiện giờ là nơi tập trung đầu tư các nhà máy năng lượng và các giàn khoan dầu do công ty Trung Quốc sở hữu. Bên ngoài Sihanoukville, các khoản đầu tư từ sáng kiến Vành đai - Con đường còn tài trợ cho một cao tốc đến Phnom Penh và một sân bay lớn ở thủ đô.
Trong số 1,3 tỷ USD đầu tư vào Sihanoukville trong năm qua, 1,1 tỷ USD đến từ Trung Quốc.
Việc chuyển đổi cũng đã mang lại việc làm cho thành phố. Công nhân Campuchia ở các công trường xây dựng Trung Quốc có thể kiếm được từ 120 USD - 200 USD/tháng, gấp 3 lần so với công việc ở những công ty địa phương.
Svay Sovana, 42 tuổi, là một trong số những người vui mừng vì khoản đầu tư của Trung Quốc ở Sihanoukville. Cô đã từng kiếm được 1.000 USD/tháng nhờ cho thuê một căn hộ 3 tầng cho người châu Âu nhưng tháng này, cô sẽ kiếm được 15.000 USD khi cho người Trung Quốc thuê.
Nhưng với một số người dân địa phương, sự lột xác này lại càng làm ngăn cách hố sâu giàu nghèo. Số ít được hưởng lợi từ dòng tiền lớn đổ vào thành phố chưa từng thấy trước đây, nhưng nhiều người lại phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Kong Samol, 32 tuổi, lái xe tuk-tuk, là một trong số những người như thế. "Tiền thuê nhà của tôi đã tăng từ 50 USD lên 150 USD. Chủ nhà muốn đá tôi ra khỏi nhà để anh ta có thể cho người Trung Quốc thuê vì họ trả cao hơn tôi", anh nói.
Seng Lim Huon nói đầu tư của Trung Quốc đang mở rộng sự phân chia giữa người giàu và người nghèo. "Những người sở hữu đất và có nhà cho thuê có thể sống tốt hơn nhưng đối với những người không sở hữu đất đai, cuộc sống thật là khủng khiếp."
Bên cạnh đó, mặc dù đầu tư của Trung Quốc mang lại sự giàu có, điều này chủ yếu được giành cho cộng đồng của họ. Cư dân Trung Quốc và du khách mua hàng từ các doanh nghiệp Trung Quốc, sử dụng dịch vụ nhà hàng và khách sạn của người Trung Quốc…
"Sản phẩm Trung Quốc rất đắt, chúng tôi không thể mua nổi và người Trung Quốc chỉ mua hàng hóa Trung Quốc. Ngay cả rau quả họ xuất khẩu từ Trung Quốc. Người Trung Quốc có tiền, nhiều tiền hơn người Campuchia, và điều đó có nghĩa là họ có quyền lực ở đây", Srey Mach, 43 tuổi
Tốc độ phát triển này đã khiến nhiều cư dân của thành phố lo ngại. Theo ước tính, người Trung Quốc đang chiếm đến gần 20% dân số thị trấn.
Ngồi bên ngoài cửa hàng và nhà nghỉ của gia đình ở bãi biển Otres, cô Deu Dy, 23 tuổi, lo lắng về một khu nghỉ dưỡng lớn của Trung Quốc đang được xây dựng ngay bên cạnh gần một năm nay.
"Mọi thứ ở Sihanoukville đã thay đổi chỉ trong 2 năm", Dy nói. Cô cũng đang học tiếng Trung để hòa nhập hơn với cộng đồng mới ở thành phố của mình.
"Trước đây, mọi thứ rất yên tĩnh, nhưng chỉ đến khi các công trình của Trung Quốc đua nhau mọc lên. Tôi lo ngại nó sẽ phá hủy môi trường. Điều gì sẽ xảy ra khi các công trình này hoàn thành và hàng nghìn người đổ đến? Sihanoukville sẽ chẳng còn là Campuchia nữa", cô Dy nói.
Theo Minh Khôi (Soha/Thời Đại)