Japan Times cho biết con tàu xây đảo khổng lồ mới được đặt tên là Tiankun được giới thiệu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô vào đầu tháng 11. Tờ China Daily gọi con tàu mới là “nhà máy kỳ diệu”, một trong những tàu nạo vét, xây đảo lớn và tiên tiến nhất khu vực.
Tàu Tiankun có chiều dài 140 m, lượng choán nước 17.000 tấn. Tàu có công suất hút tới 6.000 m3 đất, cát mỗi giờ từ độ sâu 35 m, như vậy cứ mỗi giờ con tàu có thể đào khối lượng tương đương 3 hồ bơi tiêu chuẩn.
Theo Viện Nghiên cứu và Thiết kế Hàng hải ở Thượng Hải, Tiankun là tàu xây đảo hiện đại nhất châu Á, có thể sử dụng cho mục đích nạo vét bờ biển và các hoạt động bồi lấp đất ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu. Tàu Tiankun dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2018.
Fei Long, Phó giám đốc thiết kế Viện Nghiên cứu và Thiết kế Hàng hải nói rằng: “Sự phát triển của Tiankun chỉ ra rằng chúng tôi đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo trong ngành kỹ thuật hàng hải”.
Alex Neill, thành viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết ý nghĩa thực sự của việc công bố tàu xây đảo khổng lồ là nó có thể được triển khai để khôi phục các hoạt động bồi lấp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp trái phép 7 thực thể trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm biến những rạn san hô thành đảo nhân tạo khổng lồ. Một số đảo nhân tạo đã được xây dựng đường băng, lắp đặt radar và các hệ thống vũ khí. Dưới sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, hoạt động bồi lấp trái phép của Trung Quốc đã tạm dừng vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, việc công bố tàu nạo vét khổng lồ mới cho thấy Bắc Kinh có thể tiếp tục các hoạt động bồi lấp trên biển, Financial Times nhận định. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào ngành công nghiệp nạo vét trong thập kỷ qua, với khoảng 200 tàu được chế tạo từ năm 2006, đưa Bắc Kinh trở thành một trong những nước sản xuất tàu xây đảo lớn nhất thế giới.
Theo Trung Hiếu (Tri Thức Trực Tuyến)