Trung Quốc chuẩn bị cho 'kịch bản xấu nhất' hậu Covid-19

26/05/2020 16:34:48

Trung Quốc chuyển hướng phát triển kinh tế từ lấy xuất khẩu làm trọng tâm sang phát triển thị trường nội địa có thể cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho "kịch bản xấu nhất" hậu Covid-19, theo các nhà phân tích.

Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các cố vấn kinh tế tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch phát triển mới, trong đó "tiêu thụ nội địa sẽ đóng vai trò chủ chốt".

"Đối với tương lai, chúng ta cần coi nhu cầu tiêu thụ trong nước là vạch xuất phát, là nền tảng để thúc đẩy xây dựng một hệ thống tiêu thụ nội địa hoàn thiện, thúc đẩy mạnh mẽ cải tiến khoa học, kỹ thuật và những lĩnh vực khác," ông Tập Cận Bình nói.

Trung Quốc chuẩn bị cho 'kịch bản xấu nhất' hậu Covid-19
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước nhiều cố vấn kinh tế cấp cao cuối tuần trước (Ảnh: EPA-EFE)

Phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy Bắc Kinh đang tiến tới việc từ bỏ chiến lược "tiêu thụ quốc tế" đã được áp dụng từ những năm 1990, và đã từng giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Thế giới.

"Đây là một sự chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, trong đó có việc giảm phụ thuộc vào Mỹ và các nước phương Tây," nhà kinh tế Hu Xingdou nhận xét. Ông Hu cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức này, nhưng cảnh báo nước này cần duy trì cải cách kinh tế, không nên trở lại nền kinh tế chỉ huy với việc chính phủ ra mọi quyết định kinh tế.

Thay vào đó, Hu cho rằng Trung Quốc nên nỗ lực thuyết phục thế giới rằng họ không có ý định xây dựng một mô hình kinh tế khác với hệ thống toàn cầu hiện nay.

Trong chiến lược chú trọng xuất khẩu trước đây, Trung Quốc tự định hình là một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nhập khẩu linh kiện và xuất khẩu sản phẩm cho thị trường tiêu thụ.

Chiến lược này rất hiệu quả sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của Thế giới. Tuy vậy trong những năm gần đây mô hình này không còn phát huy tác dụng như trước, Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm cách gia tăng chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại và cạnh tranh công nghệ với Mỹ, đồng thời những dự đoán về sự gián đoạn của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đã khiến Trung Quốc chú trọng hơn vào việc phát triển tiêu dùng nội địa.

Phát biểu của ông Tập Cận Bình cuối tuần trước được coi là bằng chứng rõ ràng cho quan điểm về các chiến lược kinh tế đối phó với các nguy cơ từ Washington. Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài như suy thoái kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế bị gián đoạn, "chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương cực đoan," cùng những nguy cơ địa chính trị.

"Chúng ta cần tìm hướng phát triển trong một thế giới ngày càng bất ổn, bất định hơn," ông Tập nói.

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi Trung Quốc độc lập hơn trong công nghệ và thị trường, trong đó nhấn mạnh các ngành cần tập trung phát triển bao gồm thương mại điện tử, chế tạo thông minh, khoa học y tế và sự sống, và vật liệu mới.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)