Quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar đang trở nên vô cùng căng thẳng sau vụ bom của máy bay Myanmar rơi xuống tỉnh Vân Nam khiến bốn người thiệt mạng.
Theo Tân Hoa xã, hôm qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo máy bay chiến đấu MiG-29 Myanmar đã thả một quả bom xuống cánh đồng mía ở thành phố Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, khiến bốn công nhân thiệt mạng và chín người bị thương. Trong khi đó tờ Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin cánh đồng mía này bị đánh bom ít nhất ba lần.
|
Người dân vùng Kokang bỏ nhà cửa đi di tản tới thành phố Lashio - Ảnh: Reuters
|
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã triệu tập đại sứ Myanmar Thit Linn Ohn để phản đối vụ việc. Trong cuộc gặp, ông Lưu yêu cầu chính quyền Myanmar phải “điều tra toàn diện” vụ ném bom và “lập tức thực hiện các biện pháp hiệu quả” nhằm ngăn chặn những trường hợp tương tự tái diễn.
Ông Lưu cũng kêu gọi Myanmar trừng phạt những kẻ ném bom và “bảo vệ an ninh và ổn định khu vực biên giới giữa hai nước”.
Đấu khẩu
Hồi đầu tuần Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích dữ dội quân đội Myanmar, khi giao tranh với phiến quân ly khai đã bắn một quả đạn pháo qua biên giới, phá hủy một ngôi nhà trong tỉnh Vân Nam.
Một số nguồn tin tiết lộ có ít nhất hai trường hợp bom đạn từ Myanmar bắn vào Vân Nam gây cháy rừng.
Theo Thời Báo Hoàn Cầu, máy bay chiến đấu Myanmar đã xâm phạm không phận Trung Quốc ít nhất bốn lần trong vài ngày qua.
Không phải lần đầu Myanmar và Trung Quốc có chung đường biên giới dài gần 2.200km và đây không phải là lần đầu tiên giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm phiến quân lan sang lãnh thổ Trung Quốc. |
Năm 2013, đạn pháo từ Myanmar rơi vào một thị trấn Trung Quốc khiến ba người thiệt mạng.
Khi đó lực lượng Myanmar đụng độ với nhóm phiến quân Quân đội độc lập Kachin.
Một người phát ngôn không quân Trung Quốc cho biết lực lượng này đã triển khai máy bay chiến đấu tới tuần tra khu vực biên giới để “dò tìm, cảnh báo và đuổi máy bay quân sự Myanmar tiếp cận khu vực biên giới Trung Quốc”.
Ngày 14-3, chính phủ Myanmar đã phủ nhận việc quân đội nước này thả bom khiến 4 thường dân Trung Quốc thiệt mạng một ngày trước đó.
Theo Reuters, ông Zaw Htay - một quan chức trong văn phòng tổng thống Myanmar - tuyên bố quân đội chỉ không kích các mục tiêu của phiến quân ly khai trong phạm vi lãnh thổ nước này.
Ông Zaw Htay khẳng định: “Dữ liệu GPS, thông tin radar và trên thực địa đều cho thấy máy bay của chúng tôi không đi vào khu vực mà phía Trung Quốc cáo buộc”.
“Quân đội Myanmar luôn thông báo mọi thông tin cần thiết cho phía Trung Quốc về các chiến dịch phòng không của chúng tôi. Tất cả đều được thực hiện theo đúng như những gì đã thông báo” - ông Zaw Htay nhấn mạnh.
Nhà chức trách Myanmar cho rằng có khả năng phiến quân ly khai ở vùng Kokang thuộc bang Shan đã cố tình bắn phá lãnh thổ Trung Quốc để gây sự hiểu lầm và nghi kỵ giữa Bắc Kinh và Naypyidaw.
Ông Zaw Htay cho biết Chính phủ Myanmar cũng sẽ triệu tập các quan chức ngoại giao Trung Quốc tại thủ đô để giải thích rõ vụ việc.
Đụng độ phiến quân gốc Hoa
Kể từ tháng 2 đến nay, các cuộc giao tranh giữa quân đội Myanmar với nhóm phiến quân Quân đội liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) liên tục bùng lên dữ dội. Hậu quả là hàng chục ngàn người dân vùng Kokang đã phải bỏ nhà cửa đi di tản.
Tân Hoa xã cho biết hơn 30.000 người từ Kokang đã vượt biên giới chạy sang tỉnh Vân Nam. Chính quyền Myanmar đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở Kokang từ ngày 9-2.
Đứng đầu MNDAA là Bành Gia Thanh, một người gốc Tứ Xuyên (Trung Quốc) 84 tuổi. Nhóm phiến quân này hoạt động từ năm 1989 với mục tiêu lập một vùng tự trị dành cho người gốc Hoa ở Kokang. Các nguồn tin tình báo ước tính MNDAA có 1.500-2.000 tay súng.
Chính phủ Mỹ xác định Bành Gia Thanh là kẻ kiểm soát hoạt động buôn bán ma túy, chủ yếu là thuốc phiện và ma túy tổng hợp, ở Kokang.
MNDAA từng đạt thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền Myanmar cho tới năm 2009. Các quan chức Myanmar nhiều lần tố cáo “lính đánh thuê” từ Trung Quốc đã vượt biên sang Kokang gia nhập MNDAA. Thậm chí chính quyền Naypyidaw còn nghi ngờ các cựu binh trong quân đội Trung Quốc tổ chức đào tạo cho phiến quân MNDAA.
Phía Myanmar cho rằng có thể Bành Gia Thanh đã lẩn trốn ở tỉnh Vân Nam và được chính quyền Vân Nam đảm bảo an toàn, để rồi trở về Kokang vào tháng 2-2015 khiến giao tranh bùng lên.
Bành Gia Thanh từng trả lời phỏng vấn tờ Thời Báo Hoàn Cầu hồi tháng 12-2014. Khi đó, hắn khẳng định MNDAA sẽ giành quyền kiểm soát vùng Kokang từ tay quân đội Myanmar. Mục tiêu đầu tiên của Bành Gia Thanh là chiếm thành phố Laukkai, thủ phủ Kokang.
Tất nhiên chính quyền Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc của phía Myanmar. Hồi tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nước láng giềng và cấm bất kỳ tổ chức nào đe dọa quan hệ hai nước.
Theo Hiếu Trung (Tuổi Trẻ)