Reuters dẫn tin từ Cơ quan an toàn hàng hải của Trung Quốc cho biết, các mảnh vỡ của tên lửa, thường bốc cháy trong khí quyển trước khi quay trở lại trái đất, dự kiến sẽ rơi xuống khu vực ngoài khơi đảo Hải Nam vào khoảng 11h trưa giờ địa phương.
Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh 5 (Long March 5) vào ngày 15/12, từ bãi phóng Văn Xương ở Hải Nam. Đây là lần phóng thứ 6 của loại tên lửa này kể từ lần đầu tiên vào năm 2016. Một biến thể của tên lửa trên - bản Trường Chinh 5B, trước đây đã được Trung Quốc dùng để đưa tàu thăm dò của nước này lên sao Hỏa.
Vụ phóng tên lửa Trường Chinh 5B hồi năm 2021 đã gây lo lắng đặc biệt do những suy đoán về nơi các mảnh vỡ sẽ rơi xuống. Năm 2020, mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà.
Sứ mệnh Trường Chinh 5 hồi đầu tháng này đã phóng thành công thứ mà truyền thông quốc gia Trung Quốc mô tả là "vệ tinh viễn thám quang học quỹ đạo cao". Tên lửa Trường Chinh thường được dùng để phóng vật có trọng tải lớn.
Tân Hoa xã cho biết, vệ tinh trên sẽ được sử dụng để khảo sát đất, đánh giá năng suất cây trồng, quản lý môi trường, cảnh báo và dự báo khí tượng, phòng ngừa thiên tai và cứu trợ.
Hãng tin này cũng cho biết, phần trọng tải trên đầu tên lửa dài 18,5m, dài hơn nhiều so với 12,267m thông thường, điều này cho thấy đó là một vệ tinh rất lớn.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)