Tiền Học Sâm (còn được gọi là Tsien Hsue-shen hoặc Hsue-Shen Tsien) là một nhà khoa học có những đóng góp to lớn cho ngành khoa học tên lửa và hàng không.
Sinh năm 1911 tại Hàng Châu, Trung Quốc, ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng khoa học Trung Quốc cũng như đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các chương trình tên lửa và không gian của quốc gia này.
Được trọng dụng trên đất Mỹ
Tiền Học Sâm sinh ra trong một gia đình tri thức ở thành phố Hàng Châu. Cha ông là giáo sư toán học, mẹ là nhà ngôn ngữ học. Lớn lên, cậu bé Tiền say mê khoa học-công nghệ và bộc lộ tài năng thiên bẩm về toán học và vật lý.
Sau khi học xong trung học, Tiền theo học tại Đại học Giao thông Thượng Hải và lấy bằng đại học Kỹ thuật cơ khí. Sau đó, ông tiếp tục theo đuổi nghiên cứu sau đại học tại Mỹ, nhận bằng Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh tiếng vào năm 1939.
Sau khi hoàn thành bằng Tiến sĩ, Tiền Học Sâm làm việc tại Viện Công nghệ California (Caltech), sau đó gia nhập Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) ở thành phố Pasadena (bang California). Ông nhanh chóng khẳng định mình là một chuyên gia hàng đầu về khoa học tên lửa và có những đóng góp đáng kể cho việc phát triển tên lửa dẫn đường và hệ thống đẩy tên lửa.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã nghiên cứu phát triển nhiều loại vũ khí để Mỹ thử nghiệm và sử dụng trong một số chiến trường. Giai đoạn này, ông được đánh già là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về động cơ phản lực.
Gian nan trở về quê hương
Tiền Học Sâm là một học giả yêu nước. Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, ông cùng vợ là Tưởng Anh vui mừng, bàn chuyện sớm trở về nước. Tuy nhiên, ông Tiền đã bị giữ lại, bởi theo một thứ trưởng Bộ Hải quân Mỹ nhận định: “Tiền Học Sâm nắm được tất cả các bí mật của công trình tên lửa Mỹ, ông ấy có giá trị ngang với mấy sư đoàn lính thuỷ đánh bộ", theo tạp chí Foreign Policy.
Ông bị tước giấy thông hành an ninh và quản thúc tại gia. Các đồng nghiệp tại Caltech đã viết thư cho chính phủ Mỹ khẳng định sự trong sạch của ông nhưng vô ích.
Chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng lúc bấy giờ là Chu Ân Lai đứng đầu đã tổ chức một chiến dịch ngoại giao để "giải cứu" Tiền Học Sâm. Phía Mỹ nhất quyết không muốn "trả" ông Tiền cho Trung Quốc. Trải qua nhiều vòng đàm phán, thương lượng và thỏa hiệp, mãi năm 1955, ông Tiền đã được trở về Trung Quốc, sau 5 năm bị quản thúc.
Phóng vệ tinh đầu tiên vào không gian
"Một mất mát lớn của Mỹ trong khi Trung Quốc thắng lợi lớn", tờ The Guardian nhận định và gọi Tiền Học Sâm là nhà khoa học thiên tài.
Ông Tiền ngay lập tức được phép thành lập Viện Cơ học ở Bắc Kinh, làm việc trong Viện Khoa học Trung Quốc và được cử làm lãnh đạo Viện Công nghệ vũ trụ của Bộ Quốc phòng chuyên trách nghiên cứu chế tạo tên lửa và máy bay.
Năm 1970, 15 năm kể từ khi về quê hương, ông đã giám sát việc phóng vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc mang tên Đông Phương Hồng I vào không gian. Trong những năm sau, vệ tinh Đông Phương Hồng II cũng được phóng lên quỹ đạo và có tính năng không thua kém các vệ tinh thương mại của các nước phương Tây.
Trong những thập niên sau đó, Tiền Học Sâm đã đào tạo ra một thế hệ nhà khoa học mới kế cận và công việc của ông đã đặt nền móng cho các thành tựu vũ trụ của Trung Quốc như phóng thành công tàu vũ trụ chở người Thần Châu 5 trở về trái đất an toàn (2003), phóng vệ tinh Hằng Nga bay vòng quanh mặt trăng (2008), phóng thành công 2 trạm không gian Thiên Cung (2011, 2016) hay phóng tàu vũ trụ hạ cánh thành công xuống bề mặt không nhìn thấy của Mặt Trăng (2019).
Những đóng góp của Tiền Học Sâm cho khoa học tên lửa và hàng không đã có tác động sâu sắc đến sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Ông được nhiều người coi là "Cha đẻ của ngành tên lửa và vũ trụ hàng không Trung Quốc" và được tôn sùng như một tượng đài trong cộng đồng khoa học nước này.
Cuộc đời của Tiền Học Sâm kéo dài gần một thế kỷ, ông mất ở tuổi 97. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã phát triển trở thành một siêu cường trên mọi lĩnh vực, trong đó có không gian. Ông Sâm đóng góp một phần đáng kể cho sự biến đổi đó.
Theo Tử Huy (VietNamNet)