Sri Lanka được cho là một trong những "con nợ" nổi tiếng của Trung Quốc với dự án cảng biển Hambantota do Trung Quốc rót vốn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, dự án này mang lại lợi nhuận quá thấp khiến nước chủ nhà không đủ khả năng trả nợ cho nhà đầu tư.
Tháng 12/2017, Sri Lanka đã bàn giao quyền kiểm soát cảng biển Hambantota ở phía Nam cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm trị giá 1,12 tỉ USD nhằm cứu vãn dự án thua lỗ này.
Cảng biển này đã được Công ty Trung Quốc China Merchants Port Holdings muốn tiếp tục đầu tư cho mục đích... giải trí.
Tuy nhiên, tờ SundayTimes (Sri Lanka) hôm 10/6 lại cho biết tin xấu: công ty Trung Quốc đã không đồng ý giao phần tiền còn lại trị giá 585 triệu USD.
Lý do mà công ty Trung Quốc đưa ra là, dự án phát triển cảng biển thành khu dịch vụ giải trí của họ nhận sự phản đối mạnh mẽ ở trong nước.
Công ty China Merchants Port Holdings được trích lời cho rằng số tiền còn lại trong hợp đồng chỉ được chuyển khi vấn đề được giải quyết ổn thỏa.
Sự bất bình còn leo thang sau khi chính quyền mới ở Sri Lanka đã hứa hứa hẹn sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào tiền của Trung Quốc nhưng vẫn không thành công bởi ảnh hưởng nặng nề từ áp lực tài chính do chính quyền cũ để lại.
Dự án cảng biển Hambantota được giao cho Bắc Kinh với hình thức cho thuê nhưng thời hạn cho thuê tới 99 năm đã gây ra mối lo ngại trong nước. Các thành viên Đảng đối lập ở Sri Lanka cho rằng, hợp đồng thực chất mang tính chất là bán đất hơn cho thuê.
Trước sự phản đối của dư luận trong nước, công ty Trung Quốc đã ngừng việc rót tiền cho các dự án. Điều này sẽ càng khiến các dự án ở Sri Lanka chậm đi vào hoạt động, chậm có lợi nhuận và vòng xoay này sẽ càng không gỡ được món nợ của quốc gia này.
Cảng biển Hambantota không kiếm ra tiền một phần vì nó khá cô lập. Không có trung tâm công nghiệp nào gần đó, không có các khách hàng tự nhiên ngay ngưỡng cửa.
Nhưng nay Trung Quốc sẽ kiểm soát cảng này và họ muốn thay đổi. Họ đang nói chuyện với chính phủ về kế hoạch tạo ra một khu kinh tế lớn - mua 15.000 mẫu đất để xây dựng nhà máy và văn phòng.
Nhưng nhiều người sống trong khu vực không muốn rời bỏ nhà cửa và trang trại của mình.
Dẫu vậy, những thỏa thuận này dường như là cách tốt nhất để Sri Lanka trả được một phần trong số 8 tỷ USD vay của Trung Quốc.
Tổng nợ của hòn đảo này là 64 tỷ USD. Khoảng 95% tổng thu ngân sách của chính phủ là để trả nợ.
Ngoài cảng biển ở Hambantota, một dự án khác nhận sự đầu tư từ Trung Quốc - sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa - cũng đang gặp trục trặc.
Tại sân bay quốc tế này, cách Hambantota chừng 30km, chỉ có 5 chuyến bay mỗi tuần phục vụ vài trăm hành khách.
Fly Dubai là hãng hàng không duy nhất hoạt động tại sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa - nơi bị gán cho tên gọi là sân bay "vắng" nhất thế giới, cũng hoãn các chuyến bay trong tuần qua. Hãng hàng không Dubai này nói lý do thương mại và an toàn bay đã khiến họ tạm hoãn.
Một trung tâm hội nghị hiện đại khác hầu như không được sử dụng, một sân chơi criket cũng chỉ thỉnh thoảng được cho thuê làm đám cưới đều là các dự án được rót tiền của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Arun Tambimuttu, cố vấn cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, người Trung Quốc lẽ ra có thể tức giận bỏ đi, để lại các dự án gây tranh cãi, nhưng thay vì thế họ chọn cách tiếp cận bình tĩnh, mưa dầm thấm lâu.
"Họ chọn cách tái đàm phán mọi thỏa thuận và quyết tâm bám trụ tại đây", ông Tambimuttu nói.
Sri Lanka đã trở thành người chơi quan trọng trong kế hoạch "Vành đai và Con đường" nhờ vào các cảng biển nằm ở vị trí chiến lược giáp Ấn Độ Dương. Những nhà hoạch định chính sách ở Colombo, thủ đô đảo quốc, có nhận thức sâu sắc về điều này.
Theo Kim Hoa (Đất Việt)