Chiều 23-8, Bộ trưởng Tư pháp Sri Lanka, Wijeyadasa Rajapakshe bị tổng thống bãi nhiệm vì vẫn giữ quan điểm, chỉ trích hợp đồng bán cảng Hambantota trị giá 1,15 tỉ USD cho Trung Quốc.
Vị trí cắm cờ đỏ là Cảng Hambantota, nơi Trung Quốc sẽ khai thác trong vòng 99 năm - Ảnh: Google Map |
AP cho biết tổng thống Maithripala Sirisena đồng ý đề xuất của Đảng Thống nhất Quốc gia về việc bãi nhiệm Bộ trưởng Tư pháp Wijeyadasa Rajapakshe.
Gayantha Karunathillaka, người phát ngôn của chính phủ Sri Lanka, nói: "Bằng cách công khai chống đối thỏa thuận bán cảng, ông ấy đã vi phạm trách nhiệm chung của nội các".
Vừa qua, Sri Lanka đã đồng ý bán 70% cổ phần của cảng Hambantota cho công ty China Merchants Ports Holdings với giá 1,15 tỉ USD. Công ty Trung Quốc sẽ được phép điều hành cảng nước sâu của Sri Lanka trong 99 năm.
Ông Rajapakshe nói rằng thỏa thuận bán cảng Hambantota cho Trung Quốc là 'bán đổ bán tháo' và cam đoan sẽ lấy lại cảng Hambantota vì lợi ích của người dân Sri Lanka.
Trước những phát biểu của ông Rajapakshe, Đảng Thống nhất Quốc gia cho thời hạn đến ngày 21-8 để ông này sửa lại tuyên bố. Tuy nhiên, ông Rajapakshe không những rút lại tuyên bố mà còn tiếp tục chỉ trích thương vụ bán cảng của chính phủ.
Trước khi đạt được thỏa thuận bán cảng Hambantota cho Trung Quốc, chính phủ Sri Lanka đã gặp phải làn sóng phản đối khá lớn trong nước. Nhiều người Sri Lanka đã xuống đường biểu tình vì sợ mất đất. Trong khi đó, đảng đối lập cho rằng tốc độ chuyển giao đất cho Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia.
Thậm chí để thỏa thuận này thành hiện thực, tổng thống Sirisena đã phải điều chỉnh nội các, đưa ông Mahinda Samarasinghe vào vị trí Bộ trưởng cảng vì người giữ vị trí này trước đó phản đối quyết liệt việc bán cảng cho Trung Quốc.
Cảng Hambantota có vị trí cực kỳ quan trọng, chỉ nằm cách đường tàu nối Á - Âu 10 hải lý và được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược 'một vành đai, một con đường' của Trung Quốc.
Theo Đ.K.L. (Tuổi Trẻ)