Các chỉ huy quân sự Trung Quốc và Ấn Độ hôm 21/09 đồng ý không gửi thêm quân tới tiền tuyến nhằm giảm nhiệt căng thẳng ở khu vực tranh chấp biên giới.
Khả năng sống còn của binh lính tại độ cao hơn 4.500 mét, nơi oxy khan hiếm và nhiệt độ sẽ hạ thấp từ tháng 10, là một trong những chủ đề quan trọng của đàm phán hai bên, theo truyền thông Ấn Độ.
Theo các nhà quan sát, Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang chuẩn bị cho thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông, vận chuyển vật tư hậu cần tới khu vực Ladakh, nơi hai bên đã triển khai thêm quân trong những tháng vừa qua, kể từ khi căng thẳng leo thang hồi tháng 05.
"Giới lãnh đạo quân sự cấp cao Ấn Độ... đang xem xét việc triển khai khoảng 30.000 binh lính tới Đông Ladakh trong mùa Đông tới, và các biện pháp 'tăng cường tích trữ mùa Đông' - bao gồm lương thực, nhiên liệu, đạn dược - đang được thực hiện nhanh chóng," Rajeswari Pillai Rajagopalan, người đứng đầu chương tình Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát ở New Delhi nói.
Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho rằng Quân Đội Trung Quốc có lợi thế về hậu cần, do nước này đã đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu vực biên giới theo chương trình xóa đói giảm nghèo toàn quốc của những thập kỷ trước.
Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng ít nhất 13 căn cứ quân sự gần biên giới với Ấn Độ, sau căng thẳng hồi năm 2017, bao gồm ba sân bay, năm trận địa phòng không và năm sân bay trực thăng.
Zhou lưu ý thêm rằng binh lính sẽ phải trải qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong khi khu vực cũng không thể tiếp cận trong mùa Đông tới.
"Nhiệt độ tại Himalaya có thể giảm xuống âm 40 độ C vào mùa Đông, các con đường nối với thế giới bên ngoài sẽ bị chặn trong ít nhất nửa năm. Khi bước vào mùa Đông, hai bên không thể chiến đấu được nữa, ưu tiên quan trọng nhất là sinh tồn," Zhou nói.
Theo truyền thông Trump Quốc, quân đội nước này đã xây dựng các điểm đỗ máy bay và bệnh viện tại các thành phố ở Tây Tạng để hỗ trợ cho các căn cứ quân sự dọc biên giới với Ấn Độ.
Tờ PLA Daily trước đó đã đưa tin quân đội Trung Quốc thiết kế lại vận tải cơ Y-9 để sử dụng như một "bệnh viện bay" nhằm tăng cường hỗ trợ y tế cho binh lính, trong khi máy bay không người lái được sử dụng để chuyển lương thực cho tiền tuyến trong một cuộc tập trận gần đây.
Trong khi đó, quân đội Ấn Độ đã vận chuyển vật tư hậu cần bao gồm trang phục mùa Đông, lều vải, lương thực và nhiên liệu cho binh lính ở biên giới, theo ThePrint.
Tuy vậy, hai nước đều không muốn rút quân, ngay cả khi họ hiểu rằng việc đối đầu vào mùa Đông tới sẽ trở thành "chiến tranh tiêu hao", chuyên gia quân sự Rajeev Ranjan Chaturvedy tại New Delhi nói.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)