Tổng thống Donald Trump mới đây đe dọa sẽ tăng mạnh mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, động thái bất ngờ trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh chuẩn bị bước vào đàm phán trong tuần này.
Trong hai bài viết đăng trên Twitter hôm 5/5, Tổng thống Trump cho biết ông dự định tăng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ mức 10% hiện tại lên 25% kể từ ngày 10/5. Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết "trong một thời gian ngắn", Mỹ sẽ áp mức thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa bị đánh thuế.
"Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục, nhưng quá chậm chạp, bởi họ cố gắng đàm phán lại. Không được!", ông Trump viết trên Twitter.
Bài viết trên Twitter của ông Trump khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo. Thậm chí, một nhà phân tích còn so sánh tổng thống Mỹ với Thanos trong series phim điện ảnh bom tấn Avengers, nhân vật đã thổi bay một nửa sinh vật sống trong vũ trụ chỉ bằng một cái búng tay
Bài đăng của tổng thống Mỹ khiến nhiều quan chức Trung Quốc ngạc nhiên. Bắc Kinh cũng đang cân nhắc hủy bỏ các cuộc đàm phán thương mại với Washington vốn dự kiến bắt đầu từ ngày 8/5.
"Trung Quốc không nên đàm phán với một khẩu súng chĩa vào đầu mình", quan chức Trung Quốc giấu tên nói với Wall Street Journal và cho biết thêm Bắc Kinh hiện chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia đàm phán hay không.
"Chỉ là lời đe dọa"
Các quan chức Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẽ không bị ảnh hưởng bởi chiến thuật gây áp lực của ông Trump. Nước này có thể sẽ tìm cách hủy bỏ chuyến đi để không phải đàm phán trong khi bị đe dọa.
Việc Tổng thống Trump đưa ra lời cảnh báo vào thời điểm này làm dấy lên nghi ngờ ông muốn gây sức ép với Trung Quốc, đồng thời ghi điểm trong nước.
Chad Bown, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng "bạn không bao giờ hiểu được Tổng thống Trump, nhưng rất có thể đây chỉ là lời đe dọa. Nếu hai bên đạt được đồng thuận vào cuối tuần này, thỏa thuận sẽ được công bố như thể ông Trump đã phải tỏ ra cứng rắn nhất có thể để làm được vậy".
Tổng thống Mỹ từ lâu đã cho rằng rằng thuế quan là đòn bẩy trong các thỏa thuận thương mại, cho dù liên quan đến Trung Quốc hay các đồng minh như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU).
"Tôi nghĩ tổng thống muốn đưa ra lời cảnh báo, với hàm ý 'Hãy đoán xem, thuế quan vẫn sẽ duy trì' nếu Trung Quốc không đồng ý đàm phán thương mại", cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói hôm 5/5 trên Fox News.
Đòn bẩy hay trở ngại?
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể khẳng định Mỹ có thực sự tăng thuế hôm 10/5 tới hay không, bởi theo giới quan sát, nếu có thay đổi, ông Trump cần thông báo cho các ngành công nghiệp Mỹ.
Nếu thuế tăng, giá cả hàng nhập khẩu Trung Quốc, từ các sản phẩm bán lẻ đến linh kiện điện tử công nghiệp, cũng sẽ tăng theo. Viễn cảnh này khiến các công ty thương mại Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc có phần hoảng loạn.
"Việc đạt được thỏa thuận không liên quan đến đánh thuế người Mỹ khi họ mua đồ nội thất, dụng cụ, đồ điện tử và hàng tạp hóa. Đây không phải là đòn bẩy để đạt được thỏa thuận tốt hơn, mà là cách moi tiền từ những người Mỹ lao động vất vả", Tariffs Hurt the Heartland, tổ chức hợp tác với hiệp hội thương mại Mỹ, nói trong tuyên bố.
Rick Helfenbein, chủ tịch Hiệp hội Giày dép và May mặc Mỹ, cho biết tăng thuế "sẽ tạo ra thêm nhiều trở ngại cho tăng trưởng kinh tế". Nhóm của ông ước tính tăng thuế đồng nghĩa với việc mỗi gia đình Mỹ có bốn thành viên sẽ mất thêm khoảng 500 USD/năm.
Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Buenos Aires hồi tháng 12/2018, Tổng thống Trump chưa đe dọa áp mức thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho biết lời đe dọa mới đây của ông Trump có thể sẽ dẫn tới suy giảm hoạt động thị trường.
"Khi tổng thống dậm chân xuống, thị trường cũng đi xuống theo", Chris Rupkey, giám đốc điều hành và kinh tế trưởng tại tập đoàn tài chính MUFG, nói với Wall Street Journal.
Lời đe dọa của ông Trump cũng khiến các quan chức Trung Quốc phải đối mặt với nhiệm vụ cấp bách khác hôm 6/5, đó là làm thế nào để ngăn chặn thị trường chứng khoán Trung Quốc khỏi lao đao vì tin tức này.
Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell và là thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Brookings, cho rằng "ông Trump một lần nữa làm gia tăng áp lực, tấn công nhằm vào những người Trung Quốc vốn nghĩ hai phía đang đàm phán để giảm mức thuế hiện tại, chứ không phải tránh tăng mức thuế mới. Kết quả là giờ đây áp lực với Trung Quốc còn lớn hơn".
Rủi ro tiềm tàng
Tuy nhiên, Mỹ cũng phải đối mặt với tình thế đặc biệt khó khăn: Washington muốn duy trì khả năng tái áp đặt mức thuế lên hàng hóa Trung Quốc, đồng thời vẫn phải hạn chế khả năng Bắc Kinh trả đũa bằng cách tương tự.
Mỹ cho rằng nước này cần đảm bảo việc tăng thuế không dẫn tới vòng đấu mới trong cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh đang chùn bước trước ý tưởng Mỹ có khả năng đơn phương áp đặt thuế quan.
Trung Quốc hiện vẫn chưa chấp thuận yêu cầu của Mỹ, vốn đòi hỏi Bắc Kinh phải mở cửa thị trường điện toán đám mây cho các công ty Mỹ, nhanh chóng tạo điều kiện cạnh tranh cho một số sản phẩm nông nghiệp và dược phẩm Mỹ tại thị trường Trung Quốc.
Tất cả những vấn đề này đều được đưa ra thảo luận tại Bắc Kinh tuần trước. Các quan chức Mỹ nhận định cuộc đàm phán khá hiệu quả. Tuy nhiên, tờ Hoàn cầu Thời báo số ra ngày 2/5 cho rằng hai phía có thể "đã rơi vào bế tắc trong cuộc đàm phán đầy khó khăn".
Ngoài việc gây áp lực lên phái đoàn đàm phán của Bắc Kinh, Washington cho rằng mức thuế mới có thể giúp Phó thủ tướng Lưu Hạc huy động sự ủng hộ từ bộ máy nhà nước vốn chia rẽ của Trung Quốc.
Ông Lưu từ lâu đã lập luận rằng nền kinh tế Trung Quốc nên cởi mở hơn trong việc cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Ông và các nhà cải cách cho rằng Bắc Kin phải thực hiện những thay đổi chống lại các lực lượng bảo thủ trong Đảng Cộng sản.
Tuy nhiên, chiến thuật này cũng có nguy cơ làm dấy lên phản ứng dữ dội từ chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Ví dụ, vào tháng 9/2018, Phó thủ tướng Lưu có kế hoạch đến Washington để tiếp tục đàm phán thương mại.
Khoảng một tuần trước đó, ông Trump bất ngờ tuyên bố sẽ tiếp tục áp mức thuế mới đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Thông báo bất ngờ khiến Chủ tịch Tập hủy bỏ chuyến đi và chờ đến cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vào tháng 11/2018, với hy vọng đảng Cộng hòa thất bại sẽ khiến Mỹ dễ dàng nhượng bộ hơn.
Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)