Trump có bị luận tội khi tiết lộ tin tình báo với Nga?

17/05/2017 08:41:00

Những cáo buộc Tổng thống Trump chia sẻ thông tin tình báo tuyệt mật với các quan chức cấp cao Nga dấy lên câu hỏi liệu ông có phạm pháp không và hậu quả pháp lý kế tiếp là gì.

Những cáo buộc Tổng thống Trump chia sẻ thông tin tình báo tuyệt mật với các quan chức cấp cao Nga dấy lên câu hỏi liệu ông có phạm pháp không và hậu quả pháp lý kế tiếp là gì.

Ngày 16/5, lần lượt nhiều quan chức Mỹ lên tiếng bảo vệ cho hành động của tổng thống. CNN cho biết Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói “tôi không lo lắng về việc này”, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster cho rằng các tiết lộ của ông Trump “hoàn toàn phù hợp”.

Tuy nhiên, không lâu sau khi báo chí Mỹ phanh phui thông tin này, làn sóng chỉ trích và yêu cầu phế truất Tổng thống Trump ngày càng tăng cao.

Trump co bi luan toi khi tiet lo tin tinh bao voi Nga? hinh anh 1
Tổng thống Trump bị cáo buộc chia sẻ thông tin mật với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP.

Trump có phạm pháp không?

Như một câu nói của cựu tổng thống Richard Nixon: “Khi tổng thống làm việc gì thì hành động đó không phạm pháp”. Tổng thống Mỹ có quyền hạn là giải mật của những tài liệu mật. Chỉ bằng cách liên tục lặp lại các thông tin trên, tổng thống đã vô hiệu hoá tính bảo mật của nó. Do vậy đây không phải là điều vi phạm pháp luật. 

Tổng thống Trump cũng lên Twitter tuyên bố ông có quyền "tuyệt đối" trong việc chia sẻ thông tin với Nga về việc chống khủng bố.

“Đó là quyền hạn của tổng thống nên không có điều gì bất hợp pháp ở đây cả. Tuy nhiên, bạn có thể cho rằng Trump đã hành động bất cẩn. Không phải vì tổng thống có toàn quyền làm như vậy thì những điều ông ta đã làm đều hợp lý”, Cristina Rodriguez, chuyên gia luật tại Đại học Columbia, nói với hãng thông tấn Pháp.

Vậy Trump đã phá vỡ những nguyên tắc nào?

Một số chuyên gia khác cho rằng các thông tin mật mà Trump đã chia sẻ thuộc dạng tuyệt mật, đến nỗi cộng đồng tình báo Mỹ cũng không tiết lộ với các đồng minh huống hồ Nga là nước ở thế đối đầu với Mỹ. Do vậy, việc Trump tiết lộ với các quan chức Nga có thể cấu thành sự vi phạm lời tuyên thệ khi nhậm chức.

Khi nhậm chức, tổng thống đã cam kết giữ vững và bảo vệ hiến pháp Mỹ. Cho nên việc chia sẻ thông tin nhạy cảm với Nga, nước bị cáo buộc là cố tình can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, có thể xem là hành vi xâm phạm lời thề.

“Mức độ nghiêm trọng thậm chí có thể dẫn đến một sự luận tội. Ông không cần phải gây ra tội nghiêm trọng để bị phế truất, mà chỉ cần có hành động lạm quyền hoặc lạm dụng niềm tin của người dân”, Rodriguez nói.

Trump co bi luan toi khi tiet lo tin tinh bao voi Nga? hinh anh 2

Ông Trump vui vẻ tiếp đón ngoại trưởng và đại sứ Nga giữa giai đoạn nhạy cảm trong cuộc điều tra từ các cơ quan Mỹ với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. 

Ai có thể điều tra tổng thống? Liệu Trump có bị luận tội?

Mọi cuộc điều tra cho quá trình luận tội sẽ do quốc hội tiến hành. Tuy nhiên, khi những nghị sĩ đảng Dân chủ đang thúc đẩy bổ nhiệm một công tố viên độc lập để điều tra các cáo buộc về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với Nga, thì vị công tố độc lập này có thể cũng sẽ xem xét việc tiết lộ thông tin của tổng thống.

Đến nay phần lớn đảng Cộng hoà vẫn đang sát cánh với ông Trump, nên rất ít khả năng quốc hội sẽ tiến hành quy trình luận tội. Công chúng có thể giận dữ và gây sức ép với ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hoà ở Thượng viện. Nhưng ông này sẽ cố gắng cầm cự và cân nhắc dựa trên lợi ích chính trị của đảng.

“Miễn là Trump còn được đảng Cộng hoà bảo vệ thì ông ta sẽ không bị gì cả”, David Golove, giáo sư luật tại Đại học New York nói.

Ngày 16/5, thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện là bà Nancy Pelosy cũng bác bỏ khả năng tiến hành luận tội tổng thống. Theo AFP, đề xuất này do hai hạ nghị sĩ Dân chủ đưa ra những đã bị từ chối.

Công việc thu thập tình báo sẽ ảnh hưởng thế nào?

Những ý kiến chỉ trích cho rằng các đồng minh của Mỹ sẽ tức giận và không tiếp tục chia sẻ các tài liệu quan trọng với cơ quan tình báo Mỹ, vì lo ngại những thông tin này sẽ bị bàn giao không đúng người.

Theo New York Times, những thông tin mà ông Trump tiết lộ một phần đến từ Israel, trong khi cơ quan tình báo Nga có mối quan hệ với đối thủ của quốc gia Do Thái này là Iran.

Nhiều người cũng lo ngại khả năng Nga tận dụng các thông tin trên để truy ra dấu vết nguồn cấp tin cho tình báo Mỹ, từ đó ngăn chặn khả năng ảnh hưởng đến các hoạt động của Nga ở Syria.

“Không bàn đến tính pháp lý, thì nguyên tắc từ xưa đến nay là không ai được thoả hiệp về nguồn cấp thông tin cho mình”, Mark J. Rozell, hiệu trưởng trường Chính sách và Chính phủ tại Đại học George Mason, nói.
 

Theo M.Anh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật