Vào cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh, có một vị sứ giả vì không muốn đầu hàng trước kẻ thù nên phải chịu tội tử hình.
Điều đặc biệt hơn, trước giây phút lưỡi đao chém xuống, ông vẫn dõng dạc cất lên câu nói khiến không ít người có mặt ở hiện trường cảm động, ngay cả tên đao phủ cũng phải hạ đao quỳ xuống. Vị sứ giả đó chính là Tả Mậu Đệ.
Được biết, Tả Mậu Đệ xuất thân tiến sĩ. Giai đoạn làm quan ở Hàn Thành, ông từng lên án chống lại nạn thổ phỉ, giành lấy sự bình an cho người dân nơi đây. Chiến công hiển hách đã được vua Sùng Trinh (vị Hoàng đế cuối cùng triều đại nhà Minh) chú ý và trọng dụng.
Sau khi vua Sùng Trinh qua đời, chính phủ Nam Minh bị chia thành phái Chủ động và phái Cầu hòa. Tả Mậu Đệ thuộc phái Chủ động, đã nhiều lần kiến nghị phản đối Cầu hòa, trong khi đa số đại thần trong triều kiên quyết chủ kiến hòa hoãn với địch để bảo toàn tính mạng.
Mặc dù chủ trương cầu hòa, nhất thiết phải phái sứ giả đi đàm phán, nhưng triều thần Nam Minh không có ai dám đi. Thế là Tả Mậu Đệ buộc phải lên đường dâng chiếu dụ cầu hòa cho nhà Thanh.
Sau khi đến Bắc Kinh, Tả Mậu Đệ được sắp xếp vào ở nhà khách chuyên dùng cho nước thuộc địa. Hành động trên đã khiến ông cảm thấy phẫn nộ vì bị sỉ nhục. Ông tuyên bố thà chết chứ không chịu khuất phục. Trước sự cứng rắn của Tả Mậu Đệ, triều đình nhà Thanh đành sắp xếp ông vào tá túc ở chùa Hồng Lư.
Sau mấy ngày đàm phán, Đa Nhĩ Cổn – Nhiếp chính vương của nhà Thanh biết được Tả Mậu Đệ là một nhân vật rất có ảnh hưởng ở Nam Minh nên muốn thu ông về dưới trướng. Thế là triều đình nhà Thanh tiến hành chiêu dụ và khuyên ông đầu hàng. Nhưng không ngờ, Tả Mậu Đệ một lòng trung nghĩa, thà chết chứ không chịu đầu hàng. Cuối cùng, nhà Thanh quyết định phán ông tội chém đầu.
Đương nhiên, Đa Nhĩ Cổn vẫn không muốn từ bỏ nhân tài xuất chúng này nên trước khi xử tử vẫn không ít lần đến khuyên Tả Mậu Đệ, cam kết rằng chỉ cần đầu hàng nhà Thanh thì sẽ phong ông làm vua.
Nhưng Tả Mậu Đệ vẫn giữ lập trường trung quân ái quốc. Đứng giữa pháp trường, ông hét lớn: "Thà làm ma Nam Minh, chứ không làm vua đất Bắc". Giọng điệu và tư thế bất khuất của ông đã làm cho người dân có mặt không khỏi cảm động, ngay cả tên đao phủ cũng hạ đao, quỳ xuống đất vừa khóc vừa lạy Tả Mậu Đệ, sau đó mới ra tay hành hình.
Lòng trung hiếu vì nước vì dân của Tả Mậu Đệ được người đời tôn kính và nhớ mãi.
(Nguồn: SETN)
Theo Phan (Pháp Luật & Bạn Đọc)