Ai dám nghĩ một cậu bé học lớp 7 lại bị mang ra xử tử theo cách vô cùng tàn nhẫn: tra tấn trên ghế điện? Nhưng điều đó thực sự đã từng diễn ra trong lịch sử xử án thế giới, tại một cường quốc phát triển bậc nhất - Hoa Kỳ. Hơn 70 năm trước, tử tù trẻ tuổi nhất tại nước Mỹ đã kết thúc cuộc đời trên ghế điện khi mới chỉ 14 tuổi. Đó chính là cậu bé người Mỹ gốc Phi George Stinney Jr. Những giọt nước mắt của em và hình ảnh đau lòng ngày hôm đó có lẽ đã trở thành nỗi hổ thẹn, sự ám ảnh và câu chuyện sẽ còn được nhắc mãi trong lịch sử xử án thế giới.
Cái chết đau đớn của 2 bé gái da trắng kéo theo bi kịch của cậu bé da đen mà chẳng ai hiểu là vì sao
George Stinney Jr sống tại thị trấn nhà máy thuộc Alcolu, Nam Carolina, Mỹ. Đây là nơi diễn ra nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc dọc theo những tuyến đường ray xe lửa. Cả nhà của Stinney sống ở nhà trọ, cha cậu là công nhân ở nhà máy gỗ địa phương. Sau khi George bị kết án sát hại 2 cô bé da trắng bằng một cây dùi cui, cả gia đình của cậu bị ép phải rời khỏi nơi này.
Theo biên bản tại toà, ngày 24/3/1944, hai nạn nhân là Betty June Binnicker, 11 tuổi và Mary Emma Thames, 7 tuổi đang chơi đạp xe, ngắm hoa cùng nhau tại khu nhà của người da đen ở Alcolu. George xuất hiện tại đó cùng em gái mình Aime, ở ngay chính sân sau nhà cậu. Cuộc trò chuyện của 4 đứa trẻ về nơi có hoa chanh leo chính là lần cuối cùng 2 cô bé da trắng được nhìn thấy.
Hai em hoàn toàn biệt tích từ đó. Cả làng của George nháo nhác tìm kiếm, cậu bé và bố mình cũng không phải ngoại lệ. Đến tận sáng hôm sau, 2 thi thể được tìm thấy trong một rãnh hào với phần sọ bị dập nát. Đến 2 giờ 30 chiều, bác sĩ pháp y A.C. Bozard đã khám nghiệm 2 thi thể và xác định được nguyên nhân tử vong. Bozard kết luận rằng Betty June và Mary Emma đã bị đánh nhiều lần vào đầu với một vật dụng hình trụ có kích cỡ bằng cây búa.
Bi kịch đến với George kể từ sau cái chết thương tâm của 2 cô bé da trắng. Một nhân chứng đã đưa ra lời khai với đội điều tra của hạt Clarendon rằng, họ nhìn thấy Betty June và Mary Emma nói chuyện với George ở sân nhà cậu bé trước khi mất tích. Lập tức, cảnh sảnh ập đến nhà cậu bé, hung hãn còng tay George và áp giải đứa trẻ đến nhà tù ở quận Sumter trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Tại đây, George đã bị thẩm vấn trong nhiều giờ, chẳng có thêm nhân chứng nào cũng như luật sư.
Phải chết trong đau đớn vì đền tội giết người hay vì màu da?
Một tháng sau đó, phiên tòa xét xử vụ án diễn ra. Nghi phạm 14 tuổi với gương mặt non nớt đứng trước vành móng ngựa trong sự vây hãm và ánh nhìn kì thị của toàn bộ thành viên hội đồng xét xử "da trắng". Luật sư công - Charles Plowden - được chỉ định để biện hộ cho George chẳng làm bất kỳ điều gì để bảo vệ thân chủ mình.
Chẳng rõ vô tình hay cố ý, ông Charles không thể thu thập nổi một bằng chứng hay gọi tên một nhân chứng nào để chứng minh George vô tội trong suốt 2 tiếng đồng hồ. Vỏn vẹn 10 phút cân nhắc, hội đồng xét xử thẳng thừng tuyên tử hình cậu bé 14 tuổi vì tội giết người. Tuy nhiên, sau cùng George đã nhận tội và điều lạ lùng là không có bất kỳ một hồ sơ hay văn bản nào ghi lại việc tại sao cậu ta lại thừa nhận vụ sát hại này.
Ngày định mệnh 16/6/1944 đến, tại phòng xử án bang Nam Carolina, Mỹ, với một quyển kinh Thánh trên tay, George ngồi đó, bất lực vì bị trói trên một chiếc ghế điện cỡ cho người lớn. Cậu bé như lọt thỏm trên chiếc ghế lạnh lẽo, lạc lõng giữa đám người trắng trẻo cao lớn. Khi ấy, trên đầu George là chiếc mũ sắt quá bản, còn những giọt nước mắt cứ lã chã rơi trên gương mặt non nớt của em. Có lẽ, em đã rất sợ hãi và cô độc.
Thời khắc hành hình cứ vậy diễn ra trong im lặng bởi sự uất nghẹn, đau đớn chẳng từ ngữ nào tả nổi. Nhân viên thi hành án mở công tắc của chiếc ghế, một nguồn điện 2400 volt chạy xuyên qua cơ thể George. Sau 2 lần giật điện nữa, George được tuyên bố là đã chết vào lúc 7:30 tối, sau 4 phút hành quyết. Sinh mạng của một cậu bé vô tội đã bị tước đoạt mãi mãi, hay do tội của em là sinh ra không có làn da trắng?
70 năm kêu oan nhưng người bị oan đã chẳng còn
70 năm sau, bản án giết người cấp độ 1 của George mới được lật lại lần đầu tiên. Năm 2014, anh chị em trong gia đình George kháng cáo lên tòa án, khẳng định năm đó cậu bé bị ép buộc nhận tội và đưa ra hàng loạt bằng chứng ngoại phạm. Tại thời điểm án mạng xảy ra, George đang ở cùng với em gái Aime. Họ cũng đề cập đến một người đàn ông tên Wildford "Johnny" Hunter, người tự xưng là bạn tù của George tại nhà tù quận Sumter. Anh ta nói rằng George đã phủ nhận về việc sát hại Betty June và Mary Emma.
Đến ngày 17/12/2014, sau gần 1 năm lục lại bản án năm nào và tái điều tra, thẩm phán Carmen T Mullen cuối cùng đã phản đối bản án giết người cấp độ 1 của George, tuyên bố George vô tội trong vụ sát hại 2 đứa trẻ đầy tàn bạo. Bà chua xót chia sẻ, George đã bị đoạt mạng đầy tàn nhẫn, trong quá trình xét xử đã có những hành vi vi phạm nhân quyền của bị cáo và đáng bị lên án.
Tuyên bố trắng án sau 70 năm có lẽ... cũng đã quá muộn. Cái chết của George - tử tù trẻ nhất nước Mỹ trên chiếc ghế điện trở thành sự uất nghẹn của dân Mỹ gốc Phi trong suốt một thời gian dài. Đây sẽ là bản án oan ức, câu chuyện đau lòng nhắc nhở về nạn phân biệt chủng tộc đã và vẫn đang là gốc rễ của sự bất công sâu sắc trong xã hội nước Mỹ.
Theo P.H (Trí Thức Trẻ)