Qatar đã trải qua một năm chịu sự cấm vận của một số quốc gia Ả Rập, ngoại trừ một số ngành như du lịch, vận tải hàng không bị ảnh hưởng lớn; còn cuộc sống của người dân Qatar vẫn diễn ra bình thường như không hề có cuộc khủng hoảng xảy ra.
Tháng 6 năm 2017, một số quốc gia do Arab Saudi đứng đầu, đã cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Qatar để gây áp lực, buộc Qatar thay đổi chính sách của mình.
Các quốc gia trên cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm Hồi giáo đối lập, làm mất ổn định khu vực và tài trợ cho những kẻ khủng bố; trong đó có việc tài trợ cho hãng tin Al Jazeera phát bằng tiếng Ả Rập kích động phong trào "Mùa xuân Ả Rập", đồng thời Qatar có mối quan hệ thân thiết với Iran và cho Thổ Nhĩ Kỳ đóng căn cứ quân sự tại đó.
Các quốc gia trên không chỉ đình chỉ quan hệ ngoại giao với Qatar mà còn dừng tất cả các tuyến giao thông bằng đường bộ, đường biển và đường không; cắt giảm xuất khẩu, ra lệnh cho công dân của mình rời khỏi Qatar.
Đáp lại Qatar cũng đã từ chối các cáo buộc cũng như các yêu cầu do Arab Saudi đưa ra, coi đây là hành động mang ý nghĩa chính trị để làm suy yếu chủ quyền của Qatar.
Nhanh chóng điều chỉnh chính sách để đối phó khủng hoảng
Quốc gia nhỏ bé này đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng bằng cách rút tiền mặt khỏi các quỹ dự trữ lớn, tăng cường các liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, sử dụng vị trí chiến lược của mình ở Vịnh Péc-xích với tư cách là nước sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra, những người dân lo lắng đổ xô đến các cửa hàng tạp hóa ở thủ đô Doha, mua hết các loại sữa và các thực phẩm khác có nguồn gốc từ Arab Saudi và UAE. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, khoảng 1/6 lượng hàng nhập khẩu của Qatar được sản xuất tại các quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Saudi Arabia đã đóng cửa biên giới đất liền duy nhất của Qatar và UAE đã chặn các lô hàng từ các cảng của họ đến Qatar; nhưng chính quyền Doha nhanh chóng chuyển sang các nguồn cung mới từ Oman và Ấn Độ
Thay cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước láng giềng Ả Rập, Qatar đã tìm đến Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để thu hẹp khoảng cách. Các chuyến bay của Qatar được định tuyến lại trên không phận Iran; Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Qatar để làm chỗ dựa cho Doha.
Trong vòng một ngày, các kệ hàng hóa đã được bổ sung, chính quyền Qatar cũng đã đưa hàng ngàn con bò vào nuôi trong nước để đẩy mạnh sản xuất sữa và thịt ngay tại địa phương.
Phản ứng nhanh chóng của chính phủ Qatar được người dân và 2 triệu người nước ngoài đang sống và làm việc tại Qatar đánh giá cao.
Gerd Nonneman là một người nước ngoài đang sống và làm việc tại Qatar, ông hiện đang là giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu vùng Vịnh của Đại học Georgetown (chi nhánh tại Qatar) cho biết: "Thực sự không xảy ra việc thiếu hụt thực phẩm hay các nhu yếu phẩm trong cuộc sống hàng ngày".
Tuy nhiên, ông cũng cảm thấy những tác động đến một số hoạt động của Qatar như một số tổ chức nước ngoài không còn đặt trụ sở đại diện ở Qatar. Ngoài ra, Nonneman còn cho biết, nhiều bạn bè và đồng nghiệp cũ của ông ở những nước tham gia cấm vận không còn trao đổi với ông, có lẽ họ do bị áp lực chính trị.
Nếu không có những vấn đề trên, cuộc sống hàng ngày ở Qatar vẫn bình thường, hầu như lệnh cấm vận không bị ảnh hưởng đến quốc gia này.
Sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra, những nhà lãnh đạo Qatar cũng đã hoạch định chiến lược phát triển của Qatar, cho phép Qatar tiếp tục xây dựng các tuyến đường mới, khách sạn và sân vận động lớn để chuẩn bị tổ chức World Cup vào năm 2022.
Một số tác động tiêu cực đến nền kinh tế
Tuy nhiên, do giá dầu tiếp tục ở mức thấp và rạn nứt ngoại giao đã đè nặng lên nền kinh tế của Qatar; đến cuối năm ngoái, giá bất động sản của quốc gia này đã giảm khoảng 11%. Tiền gửi khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính nước ngoài cũng như quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia đã giảm 40 tỷ USD.
Tăng trưởng khu vực kinh tế phi dầu mỏ của Qatar đã giảm từ 5,6% trong năm 2016 xuống còn khoảng 4% trong năm 2017.
Qatar cũng phải rút tiền từ nguồn dự trữ và bán bớt tài sản ở nước ngoài để bơm tiền vào nền kinh tế cũng như trợ giúp các ngân hàng địa phương.
Qatar: Ghé thăm quốc gia giàu có và nhàn hạ nhất thế giới |
Thực tế Qatar có rất ít tài sản trong nước, phần lớn tài sản của Qatar là ở nước ngoài (những tài sản này do Quỹ đầu tư quốc gia, Cơ quan đầu tư Qatar nắm và quản lý); theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, năm ngoái Qatar có khoảng 318 tỷ USD tài sản ở nước ngoài, khi cuộc khủng hoảng nổ ra, họ đã bán bớt một số cổ phần, giúp Qatar có một số lượng lớn tiền mặt cũng như phương án linh hoạt trong sử dụng tiền tệ.
Tuy nhiên, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng nhà nước Qatar đã giảm từ 31 tỷ USD năm 2016 xuống còn 15 tỷ USD vào năm 2017; con số này đã lên tới 18 tỷ USD vào cuối tháng 1/2018, báo hiệu nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu ổn định trở lại.
Với dân số nhỏ chỉ hơn 300.000 người, và sở hữu khối lượng khí đốt lớn nhất thế giới ngoài khơi Vịnh Péc-xích, Qatar tự hào có thu nhập bình quân đầu người cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Yasemin Engin, một nhà kinh tế tại Quỹ đầu tư Capital Economics cho biết: "Do có nguồn lực tài chính dồi dào, nhìn chung các ngân hàng của họ có tiềm lực để đối phó với bất kỳ cú sốc nào".
Công ty dầu khí quốc gia của Qatar Petroleum là nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Điều đó làm cho Qatar cực kỳ quan trọng đối với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh; những quốc gia này đều phụ thuộc vào khí đốt của Qatar để phát triển nền kinh tế của họ.
Ngay cả lưới điện của UAE cũng bị phụ thuộc bởi nguồn khí đốt từ Qatar; mặc dù các mối quan hệ bị cắt đứt, Qatar vẫn bán khoảng 2 tỷ feet khối khí tự nhiên một ngày cho UAE (đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của quốc gia này) và khoảng 200 triệu feet khối (5,66 triệu mét khối) đã được chuyển cho Oman.
Sự phong tỏa có thể được cảm nhận nhiều nhất là hãng hàng không quốc gia Qatar, đường bay đến 18 thành phố ở các quốc gia tham gia cấm vận bị đóng cửa; giám đốc điều hành của công ty cho biết, công ty dự kiến sẽ thua lỗ lớn về tài chính.
Lợi nhuận ngành du lịch cũng sụt giảm, trước khi phong tỏa, khách du lịch từ các nước láng giềng vùng Vịnh Péc-xích chiếm hơn một nửa tổng số khách du lịch đến Qatar; nhưng hiện tại, giờ chỉ chiếm khoảng 10%. Theo Capital Economics, lượng khách du lịch từ các nước khác giảm 8,6% so với năm trước.
Với rất ít dấu hiệu cho thấy sự khủng hoảng sẽ kết thúc sớm, Qatar đang cố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với việc cho phép các doanh nghiệp địa phương sở hữu 100% vốn nước ngoài; nước láng giềng UAE cũng đang xem xét một dự luật tương tự.
Dường như với thời gian, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi vị trí của mình trong cuộc khủng hoảng Qatar, và hiện đang ít dần sự ủng hộ với Arab Saudi và UAE trong cấm vận Qatar; Ayham Kamel chuyên viên cao cấp của Eurasia Group cho biết.
Qatar là nơi đặt trụ sở chính của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Trung Đông và hiện có khoảng 10.000 lính Mỹ đang đóng quân tại đây.
Trong một phân tích gần đây, Kamel cho biết, chắc chắn trong thời gian tới sẽ không có nhượng bộ cả gói từ các nước tham gia cấm vận, mà chỉ có giải pháp gỡ bỏ từng phần và mang tính biểu tượng; ví dụ như có thể giảm bớt những hạn chế về việc đi lại của các công dân Qatar đến các nước trong khu vực để chứng minh thiện chí của một số nước cấm vận.
Các gia đình mang quốc tịch hỗn hợp ở vùng Vịnh cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cấm vận, những sinh viên Qatar ở các nước vùng Vịnh đã bị loại khỏi các kỳ thi cuối cùng. Cuộc khủng hoảng cũng gây căng thẳng cho các mối quan hệ tôn giáo truyền thống trong khu vực.
Sự phong tỏa của ba thành viên trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và sáu quốc gia khác đã khiến Qatar cảm thấy "bị lừa dối và bị phản bội".
Điều này đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc nổi lên, điển hình ở đây là sự ủng hộ lãnh tụ trẻ tuổi theo xu hướng dân tộc cực đoan là Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, đang có xu hướng thân Iran và Thổ Nhĩ Kỳ; vấn đề này làm Arab Saudi hết sức lo ngại và cuộc cấm vận với Qatar còn có thể kéo dài mà ít có sự nhượng bộ.
Theo Trịnh Ngọc Tiến (Soha/Thời Đại)