Dù chính phủ nói không cần lo lắng sau khi Saudi Arabia dừng xuất lương thực, người dân Qatar lại không muốn "liều lĩnh".
Người mua nhét đầy hàng hóa trong các xe đẩy và giỏ xách. Các kệ sữa, gạo và thịt gà tại siêu thị nhanh chóng trống trơn. Anh Azir, một người Sri Lanka, đến siêu thị sau khi người thân ở quê nhà thông báo cho anh về tin tức.
"Tôi đang ngủ thì gia đình ở Sri Lanka gọi điện và đánh thức tôi dậy", anh nói. Xe đẩy của anh chứa đầy tã giấy cho đứa con 18 tháng tuổi. "Tôi đến đây vì lo lắng về cuộc khủng hoảng".
Người dân ở thủ đô Doha của Qatar kéo đến các siêu thị sau khi nghe tin nước này bị một số quốc gia thuộc thế giới Arab cắt đứt quan hệ hôm 5/6. |
Qatar chỉ có biên giới trên bộ với Saudi Arabia và phụ thuộc rất lớn vào nguồn lương thực nhập khẩu, đa phần từ các nước Vùng Vịnh. Qatar nhập từ Saudi Arabia những mặt hàng như thịt gà và nhiều người địa phương hôm 5/6 đã nhanh chóng lên mạng xã hội để nói về chuyện họ sẽ phải ăn thịt gia cầm thay thế từ Oman.
Anh Ernest, một người Lebanon, nói anh đi mua sắm vì nhìn thấy nhiều người khác cũng vội vàng lao đến các siêu thị. "Đây là một vòng lẩn quẩn và tôi cần phải mua được pasta", anh nói khi đang dùng không chỉ một mà đến hai chiếc xe đẩy trong siêu thị.
Trong khi đó, các nhân viên tại một trong những cửa hàng của hệ thống bán lẻ Monoprix cho biết hôm 5/6 là một trong những ngày làm việc bận rộn nhất mà họ từng trải qua.
Chỉ là 'thẻ vàng'
Tuy nhiên, một số người cho rằng căng thẳng lần này giữa Qatar và các nước Vùng Vịnh chỉ như là "thẻ vàng" trong bóng đá. Họ không quá lo lắng dù vẫn đến siêu thị mua thực phẩm.
"Đây chỉ là thẻ vàng", anh Denis, công dân Đức, nói về việc nước tổ chức World Cup 2020 bị tẩy chay. "Họ có thể làm gì chứ? Qatar là một trong những nước giàu nhất thế giới".
Để tránh tình trạng mua sắm tràn lan vì lo lắng, chính phủ Qatar đã phát đi thông báo cho biết những tuyến đường hàng hải và hàng không vẫn được duy trì cho việc nhập khẩu.
"Chính phủ Qatar sẽ làm mọi biện pháp cần thiết để đập tan những âm mưu nhằm làm ảnh hưởng và gây tổn hại đến xã hội và nền kinh tế đất nước", thông báo trên viết.
7 nước gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và Maldives tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar hôm 5/6, cáo buộc Doha tài trợ cho khủng bố. Đồ họa: DW. |
Một trong những lĩnh vực kinh tế của Qatar có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là xuất khẩu, bao gồm những mặt hàng như đồ cơ khí, đồ điện tử hoặc gia súc được vận chuyển bằng đường bộ đến Saudi Arabia. Theo Liên Hợp Quốc, xuất khẩu của Qatar sang Saudi Arabia đạt kim ngạch 896 triệu USD vào năm 2015.
Việc bị cắt đứt quan hệ cũng tiềm ẩn nguy cơ cho ngành công nghiệp dịch vụ của Qatar, bao gồm hệ thống khách sạn cũng như giới tài xế taxi tại Doha.
Người Saudi thường kéo đến Qatar rất đông trong dịp lễ Eid al-Fitr diễn ra vào cuối tháng chay Ramadan. Tuy nhiên, với lệnh cấm đi lại mới được Riyadh áp dụng, thu nhập của giới tài xế taxi mà đa phần là người Nam Á tại Qatar có thể sẽ giảm khi công việc của họ phụ thuộc rất lớn vào khách du lịch.
Là quốc gia có GDP đầu người cao nhất thế giới nhờ sản xuất dầu mỏ và khí đốt, nền kinh tế Qatar vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi bị các nước vùng Arab cô lập. |
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)