Theo bản báo cáo, bất chấp 4 bộ lệnh trừng phạt của LHQ trong năm 2017, quốc gia bị cô lập này vẫn tiếp tục kiếm ngoại tệ thông qua việc tăng cường các hoạt động vận tải biển bí mật, như chuyển dầu từ tàu sang tàu, điều khiển các tín hiệu định vị và thay đổi ký hiệu nhận dạng tàu.
Ông Griffiths nhấn mạnh, “những hành động này giống như của cướp biển hồi thế kỷ 18. Họ đổi tên tàu, che giấu nơi đăng ký tàu và vẽ những cái tên giả lên đó nhằm biến chúng thành tàu của nước ngoài”.
Bản báo cáo cho rằng Triều Tiên “đã coi thường các nghị quyết gần đây nhất (của LHQ) bằng cách khai thác các chuỗi cung cấp dầu toàn cầu, các công dân nước ngoài đồng lõa, các cơ quan chức năng phụ trách việc đăng ký phương tiện hoạt động ngoài khơi và các hệ thống ngân hàng quốc tế”. Ông Griffiths khẳng định với hãng tin NBC News rằng bất chấp các lệnh trừng phạt tiếp tục có hiệu lực, người Triều Tiên càng ngày càng thông minh hơn để né tránh những biện pháp này.
Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố bản danh sách những loại hoạt động vận chuyển tàu biển lừa đảo của Triều Tiên cùng danh sách 24 tàu chở dầu có khả năng thực hiện việc chuyển dầu từ tàu sang tàu cũng như các mặt hàng bị cấm khác. Trong tháng 1 vừa qua, hoạt động chuyển dầu từ tàu sang tàu giữa tàu Rye Song Gang 1 treo cờ Triều Tiên và tàu Yuk Tung treo cờ Dominica đã bị phát hiện diễn ra trong đêm tối. Ủy ban trên cho rằng hoạt động chuyển hàng trong đêm cho thấy Triều Tiên “thích nghi với các chiến thuật né tránh”.
Catherine Dill – chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury - đã nhất trí với đánh giá của ủy ban trên khi cho rằng “một phần lý do chúng tôi tập trung vào việc này là vì hoạt động chuyển hàng từ tàu sang tàu rất nguy hiểm. Nếu gặp phải điều kiện biển khắc nghiệt thủy thủ đoàn có thể gặp nguy hiểm”.
Báo cáo trên còn cho biết, chính quyền Triều Tiên cũng được hưởng lợi từ hợp tác quân sự ở một số nước, trong đó có Syria, Myanmar, Eritrea, Sudan và Tanzania. Ít nhất 4 nhóm chuyên gia kỹ thuật vũ khí của Triều Tiên đã thăm Syria từ giữa tháng 4/2016-3/2017. Một quốc gia thành viên LHQ đã báo cáo rằng các kỹ thuật viên Triều Tiên tiếp tục làm việc tại các cơ sở tên lửa và vũ khí hóa học ở các thành phố Barzah, Hama và Adra của Syria.
Trong chuyến đi tới Syria hồi tháng 8/2016, một phái đoàn các chuyên gia kỹ thuật Triều Tiên đã trao cho Syria các van điện áp và nhiệt kế đặc biệt mà báo cáo trên cho rằng “được sử dụng trong chương trình vũ khí hóa học”.
Hiện các chuyên gia LHQ cũng đang điều tra 2 chuyến hàng bị cấm tới Syria chứa gạch chống axit từ Công ty thương mại Cheng Tong của Trung Quốc do một quốc gia thành viên LHQ “có lý do để tin rằng lô hàng này liên quan tới hợp đồng KOMID”. KOMID là Tập đoàn thương mại khai thác mỏ Triều Tiên. Gạch chống axit không phải là mặt hàng bị cấm xuất khẩu song một quốc gia thành viên LHQ chỉ ra rằng số gạch này có thể được sử dụng để xây dựng các bức tường bên trong một nhà máy hóa chất.
Như một phần trong mối quan hệ vũ khí đang diễn ra với Myanmar, bản báo cáo trích dẫn bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã chuyển cho nước này các tên lửa đạn đạo, bệ phóng rocket và tên lửa đất đối không.
KOMID thậm chí còn tiếp đón các kỹ thuật viên quân sự của Myanmar ở Triều Tiên. Tuy nhiên, Chính phủ Myanmar khẳng định rằng “không có mối quan hệ gì quan trọng với Triều Tiên ngoài quan hệ ngoại giao”.
Theo các nhà điều tra, tại Sudan, 2 đặc vụ của KOMID từng bị trục xuất khỏi Ai Cập năm 2016 giờ đây là “trung tâm kết nối mới” giữa Sudan và Triều Tiên.
Ngoài ra, Triều Tiên còn sử dụng các đại sứ quán làm trung tâm buôn lậu vũ khí. Bản báo cáo cũng cho thấy cách Triều Tiên tiếp tục sử dụng các nhà ngoại giao và công dân nước này ở nước ngoài để tạo thuận lợi cho hoạt động làm ăn và tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế.
Theo ông Griffifth, các đại sứ quán của Triều Tiên ở khắp nơi trên thế giới đang được sử dụng để tạo ra ngoại tệ cho Bình Nhưỡng. Ông nói: “Thậm chí còn hơn thế nữa, chúng tôi đã phát hiện rằng toàn bộ các đại sứ quán Triều Tiên ở châu Phi, Trung Đông, châu Á – Thái Bình Dương, ở châu Âu – về cơ bản được sử dụng như những trung tâm để né tránh lệnh trừng phạt, trong đó có hoạt động buôn lậu vũ khí”.
Tại Nam Phi, bản báo cáo xác định Bí thư Đại sứ quán Triều Tiên Ri Chang Su là nhân vật quan trọng trong quan hệ hợp tác quân sự giữa Triều Tiên với Mozambique. Jon Chol Young – một nhà ngoại giao Triều Tiên ở Angolo – từng tham gia các hoạt động liên quan tới vũ khí bị cấm và đã được đưa vào báo cáo năm ngoái. Hiện người này vẫn ở Angola.
Một số quốc gia đã chậm chạp trong việc thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2016, trong đó yêu cầu các nước cấm Triều Tiên sử dụng cở sở của đại sứ quán cho các mục đích phi ngoại giao.
Ủy ban các chuyên gia LHQ cũng tích cực điều tra hoạt động buôn lậu rượu ra ngoài các cơ sở ngoại giao của Triều Tiên ở Pakistan – nơi hãng tin Reuters hồi tháng 11/2017 từng đưa tin về nơi ở của một nhà ngoại giao Triều Tiên tại Islamabad bị cướp hàng nghìn chai rượu và bia.
Tại Đức, một khu ký túc xá nằm trong Đại sứ quán Triều Tiên ở Berlin vẫn đang hoạt động. Cơ sở này hoạt động từ ít nhất năm 2008.
Ông Griffiths thừa nhận rằng, một số quốc gia, đặc biệt ở châu Phi và châu Á, đã có những tiến bộ trong việc thực thi lệnh trừng phạt, song cho biết “điểm mấu chốt trong báo cáo là để giải giáp hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, các quốc gia thành viên LHQ phải nỗ lực hơn nhiều và một số quốc gia thành viên bị nêu tên trong báo cáo phải nỗ lực hơn nhiều so với các quốc gia thành viên khác”.
Theo Ngọc Anh (Tiền Phong)