Chiều 15.3, thượng tá Nguyễn Văn Dân - Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, đã triệu tập ông Huỳnh Bê - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) để làm việc.
Trước đó, ông Huỳnh Bê bị bà C.T.L tố cáo đã nhận của bà này 300 triệu đồng tiền chạy việc. Ngoài đơn, bà C.T.L còn cung cấp "Giấy nhận tiền để xin việc".
Theo thượng tá Dân, bước đầu ông Huỳnh Bê đã thừa nhận "Giấy nhận tiền xin việc" do bà C.T.L cung cấp là của mình. Đồng thời, ông Bê cũng cho biết đã trả một ít tiền cho bà C.T.L và đang tiếp tục trả.
Cũng theo thượng tá Dân, ngoài đơn tố cáo của bà C.T.L, Công an huyện cũng nhận được đơn của một số giáo viên Trường THCS Ngô Mây, đề nghị làm rõ việc ông Huỳnh Bê cắt xén tiền lương của họ như đã phản ánh.
Hiện Công an huyện vẫn đang tích cực xác minh làm rõ cả hai nội dung tố cáo trên. Mặt khác, do ông Huỳnh Bê là Hiệu trưởng, đảng viên nên đơn vị đã báo cáo cho Huyện ủy Krông Pắk xin ý kiến chỉ đạo.
Ngoài ra, trước đó, ông Huỳnh Bê cũng bị một công dân tại huyện Ea Kar (Đắk Lắk) tố cáo nhận 120 triệu đồng và hứa sẽ cho con gái người này vào biên chế dạy ở trường. Tuy nhiên, ông Bê đã không thực hiện lời hứa và cũng không trả lại tiền, con gái người này chỉ được dạy hợp đồng. Nhưng do các chứng cứ chỉ thể hiện việc ông Bê vay mượn tiền nên cơ quan điều tra không tiếp nhận mà hướng dẫn khởi kiện ra tòa để đòi lại tiền.
Như đã đưa tin, xuất phát từ việc ký hợp đồng giáo viên không sát với nhu cầu thực tế, sau hơn 5 năm, toàn huyện Krông Pắk đã dư ra hơn 600 giáo viên, nhân viên trường học. Trong số này có hơn 200 giáo viên không có vị trí tuyển dụng nên ngày 9.3, UBND huyện Krông Pắk đã ra thông báo chấm dứt hợp đồng với số giáo viên này vào ngày 30.4 tới.
Ngoài ra, cũng trong tháng 4 tới, UBND huyện Krông Pắk sẽ tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục cho gần 400 giáo viên đang hợp đồng để lấy 83 người. Việc này khiến gần 500 giáo viên đang hợp đồng tại huyện Krông Pắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới (chưa kể số giáo viên hợp đồng đã nghỉ xin nghỉ việc trước đó).
Sự việc trên khiến dư luận hết sức quan tâm và cho rằng không thể không có tiêu cực. Một số giáo viên cũng phản ánh với báo chí về việc họ đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để được ký hợp đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Krông Pắk cho rằng "chưa phát hiện tiêu cực".
Theo Duy Hậu (Dân Việt)