Hiroto Kiritani, người nắm giữ cổ phiếu tại hơn 1.000 công ty và có giá trị tài sản ròng vượt quá 100 triệu yên (16,2 tỷ đồng), bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một kỳ thủ cờ tướng chuyên nghiệp Nhật Bản (Shogi) và từng được mời dạy môn cờ vua Nhật Bản tại một công ty chứng khoán.
Ở đó, nhờ quan sát và học hỏi nhanh chóng, ông đã tích lũy được 100 triệu yên đầu tiên trên thị trường chứng khoán. Đến giữa năm 2024, tài sản của ông đã tăng vọt lên gần 600 triệu yên (97,5 tỷ đồng), đến mức ông thấy tiền nằm rải rác trong các góc nhà mình.
Mặc dù giàu có, nhưng ông Kiritani vẫn duy trì một lối sống rất tiết kiệm. Ông chỉ mặc quần áo bình thường, tránh xa các thương hiệu xa xỉ và chỉ đi xe đạp - phương tiện ông mua với phiếu giảm giá.
Tại nơi ông sinh sống, mặc dù hiện đã rộng hơn, nhưng ngôi nhà trông giống một phòng chứa đồ lộn xộn hơn là một ngôi nhà sang trọng. Kiritani bắt đầu thích đồ miễn phí từ sau khi mất 200 triệu yen (32,5 tỷ đồng) trong một vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 2008.
Quyết tâm không bao giờ lãng phí tiền nữa, ông bắt đầu tỉ mỉ thu thập phiếu giảm giá và quyền lợi cổ đông từ hơn 1.000 công ty mà ông nắm giữ cổ phiếu, bao gồm cả các công ty trong lĩnh vực thực phẩm, quần áo và giải trí. Lịch trình hàng ngày của ông là chạy đua với thời gian để đổi phiếu giảm giá trước khi chúng hết hạn.
Một ngày của ông Kiritani bắt đầu từ sớm khi ông đạp xe khắp Tokyo với chiếc xe mua bằng phiếu giảm giá để ghé vào các nhà hàng ăn đồ miễn phí.
Việc ham mê đồ miễn phí của ông thậm chí mở rộng sang cả những hoạt động mà anh ta không hề hứng thú. Ông đổi thẻ thành viên ở phòng tập thể dục, vé xem phim, dịch vụ xông hơi, hát trong quán karaoke hay thậm chí chơi nhảy bungee và tàu lượn siêu tốc - tất cả chỉ vì chúng miễn phí.
Ông nhận được hơn 300 phiếu xem phim mỗi năm và có thể xem tới 140 bộ phim mỗi năm, vượt qua nhiều nhà phê bình phim chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Kiritani thường không hiểu phim nói về điều gì, chỉ thấy rằng ghế ngồi trong rạp giúp ông ngủ được.
Triết lý của Kiritani rất rõ ràng: “Để phiếu giảm giá hết hạn là điều đáng xấu hổ”.
Lối sống khác thường của nhà triệu phú cổ phiếu đã khiến ông trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.
Ông Kiritani đã viết sách và xuất hiện trên TV để chia sẻ những mẹo sống tiết kiệm đã có và truyền cảm hứng cho những người trẻ tận dụng tối đa nguồn lực của mình.
Câu chuyện của người đàn ông Nhật Bản, được hãng truyền thông Trung Quốc WeMedia, Ins Daily đưa tin, khiến cư dân mạng vừa thích thú vừa sửng sốt.
Một người nói: “Việc bị ép phải tập thể dục vì phải dùng phiếu giảm giá phòng tập miễn phí thực sự khiến tôi bật cười!”
“Các công ty Trung Quốc nên học hỏi từ điều này. Nếu giá cổ phiếu giảm, ít nhất hãy cung cấp phiếu giảm giá như một lợi ích cho cổ đông!” một người khác nói.
QT (SHTT)