Tranh cãi về thời điểm tuyên bố chiến thắng của Biden

12/11/2020 15:44:26

Biden tuyên bố chiến thắng sau khi được truyền thông Mỹ "xướng tên", nhưng một số người cho rằng điều đó mâu thuẫn với cam kết trước đây của ông.

"Ngài sẽ hối thúc những người ủng hộ bình tĩnh trong lúc kiểm phiếu? Và ngài sẽ cam kết không tuyên bố chiến thắng cho đến khi bầu cử được chứng nhận độc lập phải không?", người điều hành Chris Wallace đặt câu hỏi cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên hôm 29/9.

"Đúng vậy", Biden trả lời. "Thỏa thuận là thế này: Chúng ta kiểm phiếu. Như anh đã nói, một số phiếu bầu qua thư ở một số bang thậm chí không thể được mở cho đến ngày bầu cử. Và nếu có hàng nghìn phiếu, việc đó sẽ rất mất thời gian".

Truyền thông Mỹ hôm 7/11 đồng loạt dự đoán Biden là người chiến thắng bầu cử tổng thống sau khi xác định ông vượt mức tối thiểu 270 phiếu đại cử tri. Tối cùng ngày, Biden có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng tại thành phố Wilmington, bang Delaware.

Tranh cãi về thời điểm tuyên bố chiến thắng của Biden
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cùng phu nhân tới viếng tại Công viên Tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên ở Philadelphia, Pennsylvania hôm 11/11. Ảnh: AFP.

"Người dân của đất nước này đã lên tiếng. Họ đã mang đến cho chúng tôi một chiến thắng rõ ràng. Một chiến thắng thuyết phục. Một chiến thắng cho người dân chúng ta", Biden nói. "Số phiếu nhiều nhất từng được bỏ cho một tấm vé tổng thống trong lịch sử của quốc gia này".

Bình luận viên Michael Ruiz của Fox News cho rằng tuyên bố chiến thắng này của Biden mâu thuẫn với cam kết trong cuộc tranh luận tổng thống của ông, bởi nó được thực hiện trong lúc chiến dịch của Tổng thống Donald Trump đệ đơn kiện tại nhiều nơi để thách thức kết quả bầu cử, còn Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) chưa "chính thức chứng nhận" kết quả bầu cử.

Tổng thống Trump đến nay chưa tuyên bố nhận thua trước Biden. Hàng triệu người ủng hộ của Trump, cũng như các đồng minh của ông, đang chờ kết quả thách thức pháp lý tại các bang chiến trường.

Tuy nhiên, khái niệm "chứng nhận độc lập" về kết quả bầu cử được Wallace nêu ra vẫn còn gây tranh cãi. Luật pháp Mỹ chưa có quy định rõ ràng nào về việc ai sẽ đứng ra "chứng nhận độc lập" về chiến thắng của một ứng viên.

Theo truyền thống các cuộc bầu cử trước đây ở Mỹ, ứng viên sẽ tuyên bố chiến thắng sau khi các hãng truyền thông quốc gia "xướng tên" họ, dựa trên phân tích dữ liệu kiểm phiếu cho thấy đối thủ không thể lật ngược thế cờ. Nhưng truyền thống này không được quy định trong luật và cũng không mang tính ràng buộc, khiến ứng viên kia phải nhận thua.

Trong khi đó, GSA là một cơ quan cấp thấp phụ trách các tòa nhà liên bang, có nhiệm vụ ký các thủ tục giấy tờ chính thức sau khi có tổng thống đắc cử, để chuyển hàng triệu USD, trao quyền tiếp cận cho các quan chức chính phủ, chuyển giao các văn phòng và thiết bị cho nhóm chiến thắng. Động thái này giống như tuyên bố chính thức từ chính phủ liên bang, bên cạnh các phương tiện truyền thông, về tân tổng thống.

Về nguyên tắc, một ứng viên chỉ được công nhận đã giành chiến thắng sau khi cơ quan bầu cử ở các bang chứng nhận kết quả bầu cử. Tuy nhiên, quá trình chứng nhận ở bang thường mất thời gian, có thể vài tuần hoặc hơn một tháng.

Kết quả bầu cử thường được định đoạt vào ngày 14/12, khi đại cử tri ở các bang nhóm họp để bỏ phiếu bầu tổng thống. Các đại cử tri này theo nguyên tắc sẽ bỏ phiếu theo kết quả phiếu phổ thông của bang, nên nếu Trump không thể thắng trong các vụ kiện tụng trước tòa vào thời điểm này, Biden sẽ trở thành tổng thống và nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Nhóm của Biden cũng đã bắt đầu xúc tiến các công việc liên quan chuyển giao chính quyền. Trump tiếp tục từ chối công nhận kết quả bầu cử và tuyên bố trên Twitter tối 11/11 rằng "chúng tôi sẽ thắng".

Theo Huyền Lê (Vnexpress.net)

Nổi bật