Theo China.CNR, gần đây, nhiều địa phương ở Trung Quốc thực hiện chế độ nghỉ 2 ngày cuối tuần cho học sinh THPT nhằm tạo sự cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, đồng thời mở rộng các hoạt động ngoài giờ. Tuy nhiên, điều này lại trở thành nỗi lo của phụ huynh và gây không ít tranh luận.
Cụ thể, trong khảo sát trên diễn đàn Hỏi đáp Hồ Nam, có hơn 100.000 phụ huynh ủng hộ cho con nghỉ 2 ngày cuối tuần, còn 74.000 người khác lại lo ngại ảnh hưởng đến thành tích học tập và thời gian ôn tập của con.
Bà Thẩm, một phụ huynh có con học lớp 11, cho biết: "Nghỉ 1 ngày cuối tuần thì con được nghỉ ngơi ít. Nghỉ 2 ngày sẽ giúp con điều chỉnh lịch sinh hoạt, ngủ đủ giấc, có lợi cho sự phát triển thể chất của trẻ".
Tương tự, bà Lý ở Tứ Xuyên cũng hài lòng với chính sách này: "Con gái tôi hào hứng vì có thêm thời gian nghỉ ngơi cuối tuần. Con có cơ hội thư giãn và tham gia các hoạt động ngoài trời, giảm căng thẳng và tái tạo năng lượng để học tập tốt hơn".
Tuy nhiên, cũng có không ít phụ huynh phản đối, cho rằng nếu nghỉ 2 ngày cuối tuần thì ở nhà hoàn toàn không thể tạo được môi trường học tập. Điển hình, bà Chu - một phụ huynh ở Quảng Châu cho hay: "Nếu con tôi được nghỉ 2 ngày cuối tuần và đi chơi, tôi lo con sẽ bị tụt lại. Kỳ thi đại học giống như 'ngàn quân, vạn mã chen cầu độc mộc', lệch 1 điểm có thể chênh nhau cả nghìn thứ hạng. Tôi thật sự lo, chỉ chậm một bước sẽ chậm cả hành trình".
Cùng nỗi lo với bà Chu, một phụ huynh khác bày tỏ: "Con tôi đang trong giai đoạn nước rút học với khối kiến thức lớn. Việc tăng thêm ngày nghỉ cuối tuần có thể làm giảm cơ hội vào đại học danh giá".
Hiện nay, việc cho học sinh THPT nghỉ 2 ngày cuối tuần ở Trung Quốc đã lan rộng ra các thành phố như: Tứ Xuyên, Hàng Châu, Dương Châu, Nam Thông và Quảng Đông. Theo ông Trữ Triều Huy, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, việc cho học sinh THPT nghỉ 2 ngày cuối tuần rõ ràng nhằm "chống lại sự cạnh tranh khốc liệt" và "giảm gánh nặng".
Ông nói thêm: "Học sinh và giáo viên cần được nghỉ 2 ngày cuối tuần. Việc để học sinh THPT học thêm cuối tuần thực chất đã vượt quá thời gian học tập và làm việc bình thường, ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý và quá trình phát triển của các em".
Trước những lo lắng của phụ huynh, cô Dương Xuân Hoa - một giáo viên lâu năm ở Trường Trung học 20 Bắc Kinh, cho rằng, việc triển khai chính sách nghỉ 2 ngày cuối tuần cho học sinh THPT không có nghĩa là buông lỏng giáo dục và quản lý học sinh, mà ngược lại còn tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của các em, từ đó nâng cao chất lượng học tập.
Cô nói: "Ví dụ, những học sinh hứng thú với việc nghiên cứu tàu hỏa, tàu điện ngầm có thể tận dụng cuối tuần để đi tàu, hoặc đến sân bay xem các loại máy bay. Những sở thích như vậy, tôi cho rằng nên để các em làm. Nếu cả Thứ 7 và Chủ nhật đều bị lấp kín, học sinh không còn thời gian thực hiện những điều đó".
Cô Lý - một giáo viên THPT ở Phúc Kiến, cho hay việc nghỉ ngơi hợp lý vào cuối tuần giúp học sinh bắt đầu một tuần học mới hiệu quả hơn. "Ngay cả những người đi làm theo chế độ '996' (từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) còn cảm thấy kiệt sức, huống hồ học sinh phải học tập hơn 10 tiếng/ngày. Gần đây, tôi cũng thấy rõ nhiều học sinh được nghỉ 2 ngày cuối tuần, sang đầu tuần đi học tinh thần các em phấn chấn hơn hẳn, hiệu quả học tập cũng cải thiện rõ rệt".
Việc triển khai chính sách nghỉ 2 ngày cuối tuần ở bậc THPT trên thực tế vẫn gặp khó khăn tại một vài địa phương. Ông Huy cho rằng, nguyên nhân ở chỗ tiêu chuẩn đánh giá học sinh hiện nay còn đơn điệu, điểm kỳ thi đại học vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường và phụ huynh.
"Hiện tại, hệ thống tuyển sinh chủ yếu dựa trên điểm số, khiến phụ huynh lầm tưởng thời gian ở trường càng nhiều thì càng giúp con nâng cao thành tích. Thực chất, nếu vượt mức cho phép thì việc tăng thời gian học chưa chắc nâng cao điểm số, mà còn có thể khiến học sinh kiệt sức, hiệu quả học tập giảm sút. Trong bối cảnh như vậy, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nếu con mình không học thêm thì điểm sẽ giảm, và điều đó xuất phát từ việc chưa hiểu rõ cơ chế học tập".
Hiện nay, theo thống kê, tỷ lệ trầm cảm ở học sinh THPT vượt quá 40%. Ông Huy cho rằng, kỳ nghỉ cuối tuần có thể tạo ra khoảng thời gian quý giá để học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, phát triển sở thích, rèn luyện thể chất, từ đó giúp các em có không gian "thở" và đưa giáo dục trở về với bản chất "nuôi dưỡng con người".
"Phải tận dụng thời gian này để nghỉ ngơi thật tốt, tránh làm việc quá sức, hạn chế sa đà vào Internet, thay vào đó là nâng cao khả năng giao tiếp và cảm nhận xã hội, hiểu rõ tiềm năng và điểm mạnh của bản thân, nắm bắt được nhu cầu của xã hội. Trong thời gian nghỉ cuối tuần, học sinh nên tham gia tình nguyện hoặc các hoạt động xã hội khác", ông Huy chia sẻ thêm.
Theo Thắm Nguyễn (VietNamNet)