Tuy nhiên, khác với trạm Thiên Cung 1 bị rơi không kiểm soát, trạm Thiên Cung 2 sẽ được chính cơ quan vũ trụ của Trung Quốc điều khiển rơi chủ động.
Hồi tháng 4, cả thế giới đã phải theo dõi vụ Thiên Cung 1 rơi tự do. Tuy nhiên may mắn là trạm không gian này đã rơi xuống biển tại Thái Bình Dương mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào.
Thiên Cung 2 được Trung Quốc đưa lên quỹ đạo hồi năm 2016, theo truyền thông Trung Quốc thì trong 2 năm qua, trạm này được dùng để tiến hành 14 dự án nghiên cứu và có tổng tải trọng là 600kg.
"Thiên Cung 2 đã hoàn thành nhiệm vụ của nó trong thời gian 2 năm và nó đang trong tình trạng tốt", ông Lin Xiqiang, phó giám đốc Văn phòng Kỹ thuật không gian có người lái của Trung Quốc cho biết.
"Nó sẽ ở trong quỹ đạo cho đến tháng 7.2019, và sau đó sẽ được kiểm soát để tái nhập quỹ đạo", ông Xiqiang cho biết thêm.
Hồi năm 2016, hai phi hành gia Trung Quốc đã sống trên Thiên Cung 2 trong 1 tháng, đây là sứ mạng không gian vũ trụ lâu nhất của người Trung Quốc từng thực hiện. Theo truyền thông Trung Quốc, hai phi hành gia này đã tiến hành các thí nghiệm liên quan đến y học, vật lý và sinh học.
Trung Quốc không tiết lộ vì sao Thiên Cung 2 đột nhiên dừng hoạt động, khi trạm này chỉ mới được đưa lên quỹ đạo 2 năm.
Trung Quốc dự định sẽ xây dựng một trạm không gian vĩnh viễn trên quỹ đạo vào năm 2022, nhằm đáp ứng tham vọng khám phá không gian của họ.
"Mục tiêu tổng thể của chúng tôi là vào khoảng năm 2030, Trung Quốc sẽ là một trong những cường quốc không gian lớn của thế giới", Wu Yanhua, phó giám đốc cơ quan không gian quốc gia Trung Quốc, nói với các phóng viên vào năm 2016.
Theo Thiên Hà (Một Thế Giới)