Báo SCMP đưa tin, những vị khách tham quan sẽ phải trả số tiền lên tới 8.888 nhân dân tệ (1.230 USD tương đương 29 triệu đồng) cho một đêm ở tại khách sạn của công viên với tầm nhìn hướng thẳng ra chuồng lợn với những giống được cho là hiếm nhất và có giá trị kinh tế cao nhất. Nơi đây cũng được cho là nuôi giống lợn là nguồn cung ứng thực phẩm làm dăm bông khô truyền thống Kim Hoa nổi tiếng.
Những căn phòng nhìn ra chuồng lợn ở khách sạn nằm ở tầng 1 trong tòa nhà xây dựng theo thiết kế hình lâu đài ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Các căn phòng đều thiết kế mặt kính kín đáo để tránh mùi từ bên ngoài gây ảnh hưởng cho khách hàng.
Một đoạn clip của hãng truyền thông Tianmu News ở Chiết Giang về căn phòng khách sạn với khung cảnh độc đáo về những chú lợn bên dưới đã thu hút được 6 triệu lượt xem trên trang Douyin, một phiên bản Tiktok ở Trung Quốc, kể từ khi được đăng tải hôm 25/6.
Được mệnh danh là Disneyland ở Kim Hoa, công viên giải trí mở cửa từ năm 2021 để quảng bá cho giống lợn có biệt danh là “lợn gấu trúc” này bởi phần đầu và phần đuôi màu đen cùng dải màu trắng độc đáo trên thân những con lợn.
Theo SCMP, ban đầu giống lợn này được đặt tên là “lợn đen hai đầu” và được đánh giá rất cao ở Trung Quốc suốt 1.200 năm. Thịt của loài lợn này được đánh giá là sánh ngang với thịt Prosciutto di Parma của Ý hay Jamón Ibérico của Tây Ban Nha.
Một số người tin rằng, chính Marco Polo là người đã mang bí quyết làm giăm bông sấy khô từ Kim Hoa đến Châu Âu vào thế kỷ 13 dẫn đến sự phát triển của món ăn này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Không chỉ mang ngoại hình đặc biệt giống với những con gấu trúc khổng lồ, giống lợn đặc biệt này còn được xếp vào loại giống hiếm ở Trung Quốc. Một báo cáo năm 2016 của Qianjiang Evening News cho biết, hàng năm giống lợn này chỉ cho số lượng từ 75.000-80.000 con ở Kim Hoa tức chỉ chiếm 3-4% tổng số lợn toàn thành phố.
Mặc dù nổi tiếng là nơi cung cấp giăm bông Kim Hoa ngon nhất đại lục với món thịt săn chắc, da mỏng và xương nhỏ nhưng những người chăn nuôi địa phương đang ngày một quay lưng lại với “lợn gấu trúc” để chuyển sang các giống nhập khẩu với thời gian chăn nuôi giảm một nửa nhưng vẫn cho kích thước tăng gấp đôi.
Giống lợn này ngày nay hiếm đến nỗi, một trang trại ở Nhật Bản nơi cũng nuôi “lợn gấu trúc” đã đặt tên cho nó là “lợn ma thuật”, SCMP đưa tin.
Để quảng bá và bảo tồn giống lợn nổi tiếng của mình, chính quyền địa phương đã cho xây dựng một công viên giải trí nhằm tôn vinh giống lợn quý hiếm này. Khu công viên bao gồm một bảo tàng dành riêng cho lợn gấu trúc cùng quán cà phê và cả phòng họp.
Theo một báo cáo trên tờ Economic Daily, những khách đặt phòng xem heo sang trọng cũng có thể mua thịt "heo gấu trúc" về nhà hoặc thưởng thức thịt heo giá 6.000 nhân dân tệ (19,5 triệu đồng).
Năm 2016, chính quyền thành phố Kim Hoa tỉnh Chiết Giang cũng đã chi 5 triệu nhân dân tệ cho việc nghiên cứu phát triển và sử dụng giống "lợn đen hai đầu" này.
QT (SHTT)