Trồng cây… mỳ Spaghetti
Một bộ phim tài liệu của BBC, được phát rộng rãi, vào ngày 1 tháng 4 năm 1957 mô tả cảnh một gia đình làm nông nghiệp tại Thụy Sỹ đang tiến hành… thu hoạch mỳ Spaghetti. Bộ phim này có những đoạn mô tả vô cùng chi tiết, cảnh vài người phụ nữ gặt hái sợi mỳ Spaghetti từ “cây mỳ”, sau đó đem phơi khô chúng dưới ánh nắng mặt trời.
Sau công đoạn phơi khô, mỳ được đóng gói cẩn thận và gửi tới các siêu thị trên khắp Thế giới. Xuyên suốt bộ phim tài liệu, là lời dẫn dắt bình luận… như thật về quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, trồng trọt các cây mỳ Spaghetti để mỗi sợi mỳ đều phát triển cùng một độ dài như nhau.
Bộ phim tài liệu này nổi tiếng và gây hiếu ứng đến mức, trong vòng 24 giờ kể từ sau thời điểm phát sóng, bộ phận tổng đài của BBC “cháy máy” vì các cuộc gọi hỏi địa chỉ các cửa hàng cung cấp loại mỳ đặc biệt này, thậm chí nhiều người còn xin công thức để trồng cây mỳ Spaghetti.
Dĩ nhiên, đây là một cú lừa hoàn hảo!
Chim cánh cụt biết bay
Vẫn là một bộ phim tài liệu của BBC, phát ngày Cá tháng Tư năm 2008, lần này là về sự tiến hóa “kì diệu” của những chú chim cánh cụt. Bộ phim của BBC được cho là thực hiện tại đảo King George (Nam Băng Dương), cho thấy hình ành những chú chim cánh cụt loài Adelie tung cánh bay phấp phới trên không trung.
Theo giải thích của các nhà làm phim, điều kiện khác nghiệt của Nam Cực khiến loài chim cánh cụt Adelie đã tiến hóa để thích nghi với hoàn cảnh. Theo đó, thay vì ngủ đông, chim cánh cụt Adelie có thể tung cánh bay về phương Bắc, đến những khu vực có khí hậu ấm hơn, để “tận hưởng”… ánh mặt trời mùa đông.
Dĩ nhiên, đoạn video ghi lại cảnh chim cánh cụt Adelie tung cánh bay là do hiệu ứng hình ảnh của các kĩ thuật viên đại tài của BBC “sáng tạo” ra. Thế nhưng, cú lừa của BBC vẫn khiến hàng vạn người xem của họ tin thật.
BBC những ngày sau đó thậm chí còn chẳng buồn đính chính đó là trò đùa Cá Tháng tư, cho đến khi các tờ báo lá cải tại Anh “lật tẩy” cú lừa ngoạn mục của họ.
Tôn vinh kẻ sát nhân hàng loạt
Năm 1971, Tom Moore, một thành viên của Đảng dân chủ, Nghị sỹ hạ viện thuộc bang Texas, đã quyết định “chơi khăm”… cả nước Mỹ khi đưa ra đề xuất tôn vinh một nhân vật gốc Boston, người mà theo tài liệu được cung cấp bởi Moore đã có đóng góp to lớn cho quốc gia, tiểu bang và cộng động xã hội. Đề xuất của Moore được gửi tới Hạ viện Texas đúng ngày 1 tháng 4.
Moore mô tả “nhân vật đặc biệt” này từng được giải thưởng danh dự của Massachusetts nhờ những thành quả giá trị trong kiểm soát dân số và tâm lý học ứng dụng. Đề xuất của Moore được chính quyền và Hạ viện Texas thông qua cái rụp.
Tuy nhiên, sau đó người ta mới phát hiện rằng, “nhân vật đặc biệt” tới từ Boston, có tên Albert DeSalvo, một tội phạm đang bị giam tại nhà tù của bang Texas, với án chung thân vì hàng loạt tội danh khủng khiếp: hiếp dâm và giết người hàng loạt.
Dĩ nhiên, quyết định được thông qua trước đó bị hủy bỏ. Sự việc này khiến Hạ viện tại Texas chịu chỉ trích dữ dội, 3 thành viên thậm chí bị buộc phải từ chức vì thiếu trách nhiệm trong công việc. Còn Moore sau đó thủng thẳng nói, ông muốn nhân ngày Cá Tháng Tư để thực hiện một “cú lừa” quá đó đánh giá chất lượng công việc của các nghị sĩ và cơ quan hành pháp lập pháp tại Texas.
THANH XUÂN (SHTT)