Báo cáo mang tên "TRENDS IN INTERNATIONAL ARMS TRANSFERS, 2017 - Xu hướng chuyển giao vũ khí quốc tế 2017" của các đồng tác giả Pieter D. Wezeman, Aude Fleurant, Alexandra Kuimova, Nan Tian và Siemon T. Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa được công bố.
Báo cáo thường niên về các động thái trên thị trường vũ khí thế giới năm nay (2018) với các số liệu cập nhất tới năm 2017 cho chúng ta thấy nhiều điều, đặc biệt là với Việt Nam.
Số lượng vũ khí cỡ lớn chuyển giao trên thị trường quốc tế trong giai đoạn 2013-2017 đã tăng 10% so với giai đoạn 2008-2012, tiếp nối đà tăng trưởng liên tục bắt đầu diễn ra kể từ đầu những năm 2000.
5 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong giai đoạn này là Ấn Độ, Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Trung Quốc. Dòng vũ khí đổ dồn về Trung Đông, Châu Á và châu Đại Dương đã tăng liên tục ở cả 2 giai đoạn 2008-2012 và 2013-2017, trong khi lại giảm ở châu Mỹ, châu Phi và châu Âu.
Cơ sở dữ liệu về Chuyển giao vũ khí vừa được SIPRI công bố cho phép bất cứ ai cũng có thể tham khảo miễn phí, trong đó số liệu đã có đến năm 2017 và có cập nhật thêm chi tiết hơn hoặc có điều chỉnh chính xác hơn dữ liệu đã có trong giai đoạn từ 1950 - 2016.
Theo SIPRI, giữa những năm 2013-2017, họ thống kê được có tất cả 67 quốc gia đã tham gia xuất khẩu vũ khí cỡ lớn. Những vũ khí được đưa vào thống kê là các loại hiện đại, bao gồm cả tên lửa có điều khiển phóng từ trên không.
Top 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn này lần lượt là Mỹ, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc, chiếm tới 74% tổng số vũ khí xuất khẩu trên toàn cầu. Trước đó, thứ tự Top 5 trong giai đoạn 2008-2012 lần lượt là Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Trung Quốc. Như vậy, Pháp đã vượt qua Đức để vươn lên vị trí quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều thứ 3 thế giới.
Tổng số lượng vũ khí mà Top 5 quốc gia này xuất khẩu trong giai đoạn 2013-2017 đã tăng 11% so với trước đó. Đà tăng này có được là nhờ sự đẩy mạnh xuất khẩu của Mỹ, Pháp và Trung Quốc. Trong đó, Mỹ tăng thị phần vũ khí toàn cầu từ 30 lên 34% với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25% trong giai đoạn 2013-2017 so với 2008-2012.
Mỹ bắt đầu xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam
Tổng giá trị buôn bán sản phẩm quốc phòng của Mỹ nhiều hơn 58% so với Nga - quốc gia đứng thứ 2 trong Top các quốc gia xuất khẩu nhiều vũ khí nhất. Khách hàng lớn nhất của Mỹ chính là các quốc gia ở khu vực Trung Đông, chiếm tới 49% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là châu Á và châu Đại Dương (33%), châu Âu (11%), châu Mỹ (4,8%) và châu Phi (2,2%).
Mỹ xuất khẩu vũ khí tới ít nhất 98 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2013-2017, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Trong đó, khách hàng nhận nhiều nhất chính là Saudi Arabia, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ, với giá trị hợp đồng tăng 448% so với giai đoạn 2008-2012.
Trong giai đoạn này, Mỹ đã bắt đầu tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam. Năm 2017, họ đã chuyển giao tàu tuần tra cỡ lớn cho Việt Nam - đánh dấu sự kiện hợp tác quốc phòng lớn đầu tiên với quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Nam vẫn là bạn hàng lớn của Nga
Tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2013-2017 đã giảm 7,1% so với giai đoạn 2008-2012. Nguyên nhân chính là do các khách hàng lớn và truyền thống của Nga giảm mua, trong đó nổi bật nhất là Algeria và Trung Quốc. Đồng thời, số lượng vũ khí xuất khẩu sang Venezuela giảm sâu.
Trong giai đoạn này, Nga đã chuyển giao vũ khí cho 47 quốc gia và vùng lãnh thổ. Top 3 quốc gia mua vũ khí Nga nhiều nhất là Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, chiếm lần lượt 35, 12 và 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga.
Phân theo khu vực thì châu Á - và châu Đại Dương chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2013-2017, tiếp đó là châu Phi (13%), Trung Đông (11%), châu Âu (6,2%) và châu Mỹ (4,2%).
Việt Nam 4 lần xuất hiện "kèm" trong Top 25 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất TG
Qua Bảng thống kê Top 25 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất TG và khách hàng của họ có thể thấy Việt Nam xuất hiện tới 4 lần (các ô khoanh đỏ trong bảng dưới đây) với tư cách là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của các quốc gia Nga, Israel, Belarus và Cộng hòa Séc.
Trong đó, Việt Nam là khách hàng nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 của Nga, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của nước này. Việt Nam cũng là khách hàng lớn thứ 3 của Israel (chiếm 6,3%) và Cộng hòa Séc (11%). Riêng với Belarus thì Việt Nam là khách hàng lớn nhất khi chiếm tới 26% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của quốc gia này.
Theo Bình Nguyên (Soha/Thời Đại)