Theo thống kê của SIPRI, số lượng xe tăng chủ lực T-62 và xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Việt Nam là không hề nhỏ.
Việc Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị xe tăng chủ lực T-62 và xe chiến đấu bộ binh BMP-2 là điều không có gì bất ngờ và hầu như ai cũng biết.
Tuy nhiên, do hình ảnh của hai loại thiết giáp này xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với tần suất rất thưa thớt, đã dẫn đến nhận định rằng số lượng của chúng là không nhiều.
|
Trong các cuộc diễn tập binh chủng hợp thành, "Đôi bạn cùng tiến" phổ biến nhất vẫn và xe tăng T-54/55 và xe chiến đấu bộ binh BMP-1. Ảnh: Quân đội nhân dân.
|
Nhưng theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), số lượng T-62 và BMP-2 của Việt Nam là không hề nhỏ.
Cụ thể, SIPRI cho biết vào giai đoạn 1978 - 1979, Việt Nam đã nhận được từ Tiệp Khắc tới 200 xe tăng chiến đấu chủ lực T-62, nhưng không rõ là hàng sản xuất mới hay đã qua sử dụng.
|
Xe tăng T-62 của Việt Nam theo SIPRI có nguồn gốc từ Liên bang Tiệp Khắc. Ảnh: Quân đội nhân dân. |
Đây được cho là hợp đồng mua sắm trang bị quốc phòng theo dạng thương mại đầu tiên của Việt Nam, không phải là hàng viện trợ như các loại vũ khí đã nhận trước đó.
Với pháo chính nòng trơn U-5TS (2A20) cỡ 115 mm, trong một thời gian khá dài T-62 của Việt Nam chính là xe tăng chủ chiến có hỏa lực mạnh nhất khu vực.
Nếu thống kê của SIPRI là chính xác, chúng ta đủ T-62 để trang bị cho tới 2 trung đoàn xe tăng, chứ không phải như con số dự đoán bấy lâu nay là số lượng T-62 của Việt Nam chỉ vào khoảng 1 tiểu đoàn với hơn 30 chiếc.
|
Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân. |
Nếu như Việt Nam biên chế T-62 khi loại xe tăng này đã bắt đầu lạc hậu thì việc chúng ta được Liên Xô viện trợ tới 150 xe chiến đấu bộ binh BMP-2 trong giai đoạn 1982 - 1984 là một bất ngờ lớn.
BMP-2 là phiên bản nâng cấp từ xe chiến đấu bộ binh BMP-1, được chính thức giới thiệu vào năm 1980 với thay đổi lớn nhất là pháo tự động 2A42 30 mm đã thay thế pháo 2A28 73 mm, nhưng số binh sĩ mà BMP-2 có thể vận chuyển đã giảm xuống còn 7 người so với 8 của BMP-1.
Theo truyền thống, có lẽ khi hình ảnh T-62 và BMP-2 trở nên phổ biến, tương tự T-54/55 hay BMP-1 như hiện tại thì đó là lúc T-90 cũng như BMP-3 của Việt Nam đã sẵn sàng trực chiến.
SIPRI (Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm) là một tổ chức nghiên cứu quốc tế độc lập có trụ sở đặt tại Thụy Điển, chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột, tình hình mua bán, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị...
Theo báo cáo của Đại học Pennsylvania (Mỹ) năm 2013, SIPRI là 1 trong 5 think tank có ảnh hưởng nhất thế giới.
Số liệu của SIPRI được nhiều hãng truyền thông và các tổ chức quốc tế lớn (trong đó có Ngân hàng Thế giới) tham chiếu, sử dụng.
>> Những "cú liều"... được việc của lính xe tăng Việt Nam
>> Bật mí kho đạn trên xe tăng T-62 của Việt Nam
>> Cận cảnh xe tăng T-72 dũng mãnh của quân đội Việt Nam
Theo Hải Dương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)