Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tới Nga dự BRICS, bất chấp chỉ trích gay gắt từ Ukraine

24/10/2024 08:16:44

Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng quyết định tới Nga của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là một lựa chọn sai lầm.

Ngày 23/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã tới thành phố Kazan (Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga) để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, hãng thông tấn TASS dẫn nguồn cơ quan báo chí của Hội đồng Nhà nước Tatarstan cho biết.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tới Nga dự BRICS, bất chấp chỉ trích gay gắt từ Ukraine
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

Theo AFP, chuyến thăm đầu tiên tới Nga trong hơn 2 năm qua của ông Guterres đã vấp phải sự chỉ trích từ phía Ukraine.

"Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã khước từ lời mời dự hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu đầu tiên tại Thụy Sĩ do Ukraine đưa ra. Thế nhưng, ông ấy lại chấp nhận lời mới tới Kazan từ [Tổng thống Nga Vladimir] Putin", Bộ Ngoại giao Ukraine đăng trên X. Cơ quan này cho rằng đó là một lựa chọn sai lầm và không thúc đẩy mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Guterres khẳng định, chuyến đi là một phần trong hoạt động tham dự thường xuyên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại "các tổ chức có nhiều quốc gia thành viên quan trọng" và nhấn mạnh, đây là dịp để Tổng thư ký "tái khẳng định lập trường của ông" về xung đột Ukraine, "cũng như các điều kiện hướng tới hòa bình".

Theo thông tin từ Điện Kremlin, ông Guterres sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Putin vào ngày 24/10 và bàn thảo về tình hình Ukraine.

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lên tiếng kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột trong cuộc gặp với ông Putin ngày 22/10.

"Chúng tôi vẫn duy trì trao đổi thường xuyên về tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine", ông Modi nói với nhà lãnh đạo Nga sau khi hai bên bắt tay, "Chúng tôi tin rằng chỉ nên giải quyết các mâu thuẫn một cách hòa bình. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nỗ lực khôi phục hòa bình và ổn định một cách nhanh chóng".

Khoảng 20 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... đang có mặt tại thành phố Kazan để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, nơi họ tiến hành bàn thảo nhiều vấn đề như phát triển hệ thống thanh toán quốc tế do BRICS dẫn đầu và cuộc xung đột ở Trung Đông.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi được thành lập năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và tới năm 2011 thì có sự tham gia của Nam Phi. Từ đó, nhóm đổi tên từ BRIC thành BRICS. Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 là diễn đàn ngoại giao lớn nhất diễn ra tại Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu vào năm 2022 và cũng là lần đầu tiên có sự tham gia của các thành viên mới gia nhập.

Theo Thi Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật