Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đặt mục tiêu "Nước Mỹ trên hết" đối với các vấn đề thế giới, ngay cả khi nó phá vỡ hướng đi mà thế giới đang vận hành. Và để đạt mục tiêu này, ông đã đưa ra 10 quyết định gây "sốc", điều mà giới phân tích nhận định là đã đảo ngược trật tự thế giới trong năm 2017.
Theo USA Today, 10 quyết định dưới đây của ông Trump đã khiến cộng đồng quốc tế "dậy sóng'.
1. Điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn
Vừa giành chiến thắng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016, ông Trump đã phá vỡ truyền thống ngoại giao và làm Bắc Kinh nổi giận khi nhận cú điện thoại chúc mừng từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Mỹ vốn không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Sau đó, ông Trump đã xoa dịu cơn thịnh nộ của Trung Quốc bằng cách khẳng định sự ủng hộ và tôn trọng của mình đối với chính sách "Một Trung Quốc".
2. Rút khỏi TPP
Ngày 23/1/2017, tức ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp ước thương mại quan trọng mà người tiền nhiệm Barack Obama từng đàm phán với 11 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Trump cho rằng quyết định của mình là "một điều vĩ đại đối với công nhân Mỹ". Trong khi đó, các quốc gia khác tuyên bố sẽ thúc đẩy thỏa thuận dù không có sự tham gia của Washington.
3. Tuyên bố sẽ hủy bỏ NAFTA
Cũng trong ngày 23/1, Nhà Trắng cho biết, ông Trump sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) 1994 với Mexico và Canada về ngăn chặn các công ty Mỹ di dời nhà máy tới các nước láng giềng - đặc biệt là Mexico - và "giết chết" việc làm của người Mỹ.
Ông Trump cho rằng, nếu không đạt được một thỏa thuận mới, theo đó sẽ công bằng hơn đối với công nhân Mỹ và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, ông sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Cả hai quốc gia láng giềng của Mỹ đều phản đối những thay đổi lớn trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục.
4. Áp đặt lệnh cấm nhập cảnh
Trong tuần đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ 8 quốc gia, trong đó 6 quốc gia có phần lớn dân số theo đạo Hồi.
Các tòa án liên bang đã đình chỉ lệnh cấm này. Tuy nhiên sau đó, danh sách đã được sửa đổi và được Tòa án Tối cao phê chuẩn. Theo danh sách mới, lệnh cấm nhập cảnh được áp dụng đối với công dân đến từ các nước Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia và Chad. Trong khi đó, cuộc chiến pháp lý vẫn diễn ra.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm này.
5. "Đòi nợ" NATO
Trong cuộc họp đầu tiên với các quốc gia đồng minh trong khối NATO hồi tháng 5/2017, Tổng thống Trump đã chỉ trích gay gắt việc nhiều quốc gia thành viên không đóng góp đầy đủ số tiền mà lẽ ra họ phải đóng và từ chối công nhận điều khoản bảo vệ lẫn nhau của hiệp ước.
Tới tháng 6, ông Trump đã xác nhận cam kết của Mỹ về việc hỗ trợ bất cứ quốc gia nào trong số 28 quốc gia NATO nếu họ bị tấn công. Ông cũng tuyên bố như vậy sau khi các nhà lãnh đạo khác khẳng định họ sẵn sàng duy trì hoạt động tự vệ tập thể ngay cả khi không có sự hỗ trợ từ Mỹ.
6. Rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris
Trong tháng 6, ông chủ Nhà Trắng đã ra lệnh cho chính phủ Mỹ ngừng thực hiện thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, vốn được ký kết từ thời ông Obama. Thỏa thuận này kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác giảm lượng khí thải carbon, một trong những nguyên nhân khiến trái đất ấm lên và gây ra các hệ lụy về khí hậu và thời tiết.
Ông Trump vốn không công nhận quan điểm đồng thuận mang tính khoa học rằng hoạt động của con người đang khiến nhiệt độ ngày càng tăng lên. Ông Trump tuyên bố, ông sẽ sẵn sàng đàm phán lại về một thỏa thuận "công bằng hơn" cho nước Mỹ.
Quyết định của ông Trump đã khiến nhiều lãnh đạo khác - những người bác bỏ các cuộc đàm phán mới - phải lên tiếng chỉ trích.
7. Đe dọa chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên
Trong khi những người tiền nhiệm phát ngôn rất kiềm chế đối với Triều Tiên, thì Tổng thống Trump tỏ ra khá gay gắt trước khả năng chiến tranh với Bình Nhưỡng. Động thái này đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ bắn thêm tên lửa về phía đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, ông Trump đã phản pháo rằng, "Triều Tiên không nên đưa ra bất cứ đe dọa nào nhằm vào Mỹ. Họ sẽ phải hứng chịu hỏa lực và cuồng nộ ở mức thế giới chưa từng thấy".
Tổng thống Mỹ cũng nặng lời với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi gọi ông Kim là "Người tên lửa nhỏ bé". Trong khi đó, ông Kim Jong Un gọi ông Trump là "ông già lẩm cẩm".
8. Hủy thỏa thuận hạt nhân Iran
Vào tháng 10, Tổng thống Donald Trump từ chối xác nhận với Quốc hội Mỹ rằng Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015. Theo thỏa thuận này, lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ nếu Iran giới hạn chương trình hạt nhân của mình.
Hiện quyết định về việc liệu Washington có tái áp đặt lệnh trừng phạt Tehran hay không đang nằm trong tay Quốc hội Mỹ. Những quốc gia còn lại trong nóm P5+1 gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh - đã chỉ trích động thái của ông Trump, đồng thời khẳng định họ sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận.
9. Công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
Ngày 6/12, Tổng thống Trump ký bản tuyên bố rằng Mỹ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định này đã khiến các quốc gia Hồi giáo nổi giận và vấp phải sự phản đối từ 128/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) - khi các nước này biểu quyết tán thành một nghị quyết ở Đại hội đồng LHQ yêu cầu Mỹ đảo ngược quyết định trên.
Nghị quyết tái xác nhận quan điểm: Tương lai của Jerusalem cần được quyết định trong các cuộc đàm phán giữa người Israel và Palestine. Hiện chỉ có 7 quốc gia nhỏ cùng với Mỹ và Israel bỏ phiếu chống lại nghị quyết của LHQ.
Nhà Trắng khẳng định, quyết định của ông Trump không ảnh hưởng đến biên giới cuối cùng trong tranh chấp Israel-Palestine, vốn sẽ được đàm phán như một phần của thỏa thuận hòa bình.
10. Xếp Nga và Trung Quốc vào danh sách đối thủ của Mỹ
Tổng thống Trump đã chọc giận Nga và Trung Quốc khi miêu tả hai quốc gia này là "đối thủ" trong Chiến lược an ninh quốc gia mới, vừa được công bố hồi giữa tháng 12. Theo tài liệu này, Moscow và Bắc Kinh hiện đang tìm cách "thách thức lợi ích, tầm ảnh hưởng và sức mạnh của Mỹ", đồng thời nỗ lực "hủy hoại an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ".
Phản ứng về vấn đề này, Trung Quốc cho rằng chiến lược của ông Trump thể hiện "tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh". Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi đây là hành động "gây hấn" và "xúc phạm".
Theo Thùy Lâm (Soha/Thời Đại)