Tỷ phú 71 tuổi Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức và trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào ngày 20/1. Người tiền nhiệm của ông, Barack Obama, chính thức rời khỏi Nhà Trắng sau 8 năm tại chức với hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Trong phát biểu nhậm chức mang đậm tinh thần dân tộc, tân tổng thống tuyên bố sẽ theo đuổi chủ trương "Nước Mỹ trên hết" và "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Cuộc chuyển giao giữa ông Trump và ông Obama được xem là chuyện chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ khi ông Trump "xa lánh" báo chí, phá vỡ nhiều thông lệ ngoại giao trong khi hàng loạt vị trí chủ chốt trong bộ máy chính phủ vẫn chưa được lấp đầy.
Với lễ nhậm chức tại Điện Elysee hôm 14/5, ông Emmanuel Macron (phải) chính thức trở thành tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp ở tuổi 39, kế nhiệm ông Francois Hollande (trái). Ông Macron giành chiến thắng trước đối thủ phe cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử một tuần trước đó
Kết quả này góp phần ngăn chặn xu hướng chống toàn cầu hóa, làn sóng dân túy trỗi dậy từ sau sự kiện Brexit và cuộc bầu cử Mỹ 2016, củng cố sự ổn định của Liên minh Châu Âu (EU).
Mùa bầu cử năm nay ở Pháp cũng ghi dấu sự thất bại thảm hại của các đảng truyền thống khi đây là lần đầu tiên không có ứng viên nào từ các đảng Cộng hòa và Xã hội lọt vào vòng hai trong 6 thập kỷ qua.
Ông Moon Jae In, 64 tuổi, chính thức trở thành tổng thống thứ 12 của Hàn Quốc một ngày sau cuộc bầu cử được tổ chức vào hôm 9/5. Kết quả này giúp khép lại 10 tháng chính trường Hàn Quốc chao đảo vì bê bối của Tổng thống Park Geun Hye, người bị phế truất và truy tố với các cáo buộc lạm quyền, biển thủ, làm lộ bí mật nhà nước...
Tân tổng thống Hàn Quốc được đánh giá là người có cách tiếp cận ôn hòa trong vấn đề Triều Tiên, chủ trương nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.
Quốc vương Saudi Arabia bất ngờ phế truất thái tử kế vị Mohammed bin Nayef vào ngày 21/6 và người được chọn thay thế là Mohammed bin Salman, 31 tuổi (ảnh). Là con trai đầu của Quốc vương Salman với người vợ thứ ba, tân thái tử giữ chức bộ trưởng quốc phòng cùng nhiều vai trò quan trọng khác trong chính phủ.
Sau khi trở thành thái tử kế vị, ông đã phát động cuộc điều tra tham nhũng gây chấn động, bắt giữ nhiều thành viên hoàng gia và cựu bộ trưởng. Ông cũng là người khởi xướng "Tầm nhìn 2030", một kế hoạch cải cách nhằm thay đổi toàn diện Saudi Arabia từ kinh tế đến xã hội.
Cuộc bầu cử ngày 24/9 tại Đức vốn dự đoán là "thủ tục chuyển giao quyền lực" từ nhiệm kỳ thứ 3 sang nhiệm kỳ thứ 4 của đương kim thủ tướng Angela Merkel, 63 tuổi. Thực tế, đảng của bà Merkel đã giành chiến thắng với số phiếu ủng hộ cao nhất, dù phải liên minh để thành lập chính phủ đa số, trong khi đảng AfD theo đường lối cực hữu lần đầu tiên có ghế trong quốc hội Đức sau nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên sau 2 tháng, bà Merkel bất ngờ tuyên bố các cuộc đàm phán tìm kiếm liên minh đã thất bại, điều chưa từng có trong lịch sử Đức và đẩy nữ thủ tướng vào tình thế "đi trên dây".
Các cuộc đàm phán mới để thành lập chính phủ liên minh dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 12/1/2018. Nếu đàm phán tiếp tục thất bại, bà có thể chọn cách điều hành chính phủ thiểu số hoặc chờ tổng thống kêu gọi một cuộc bầu cử mới.
Áo có thủ tướng trẻ nhất châu Âu - Sebastian Kurz, 31 tuổi - sau cuộc bầu cử hôm 15/10. Là gương mặt nổi bật trên chính trường châu Âu, ông cũng từng ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành ngoại trưởng trẻ nhất thế giới ở tuổi 27. Ông nhậm chức thủ tướng vào ngày 18/12.
Ông Kurz, vốn là ngoại trưởng kiêm lãnh đạo đảng Nhân dân, có quan điểm cứng rắn trong việc kiểm soát người nhập cư và trục xuất những người Hồi giáo tị nạn không đủ tiêu chuẩn. Chiến thắng của ông Kurz cũng như đảng AfD tại Đức là những dấu hiệu cho thấy các phe cực hữu đang hồi sinh tại châu Âu.
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, diễn ra từ 18 đến 24/10, không chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực ở vị trí lãnh đạo khi ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, tiếp tục giữ vai trò tổng bí thư kiêm chủ tịch nước và chủ tịch quân ủy trung ương. Tuy nhiên, Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc, thay mới 5 trong 7 thành viên. Đây là những người sẽ đưa ra các quyết sách quan trọng nhất của Bắc Kinh trong 5 năm tới.
Đại hội 19 cũng chứng kiến việc Chủ tịch Tập được ghi tên vào điều lệ đảng cùng học thuyết của mình, đặt ông ngang hàng với hai cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Trong ảnh, ông Tập Cận Bình (giữa) ngồi cùng hai người tiền nhiệm: Hồ Cẩm Đào (trái) và Giang Trạch Dân.
Ở tuổi 37, bà Jacinda Ardern (đứng) trở thành lãnh đạo trẻ nhất New Zealand trong hơn 150 năm qua. Bà giành chiến thắng một cách khó khăn sau cuộc bầu cử hôm 23/9 khi cả bà lẫn ứng viên Bill English, thủ tướng đương nhiệm, có số phiếu suýt soát nhau. Gần một tháng sau ngày bầu cử, lãnh đạo của NZ First, đảng chỉ giành 7,2% phiếu bầu, quyết định liên minh với đảng Lao động của bà Ardern để thành lập chính phủ, đưa bà trở thành nữ thủ tướng thứ ba của New Zealand.
Có lẽ không cuộc chuyển giao quyền lực nào trong năm qua mà người cũ lại được chú ý hơn hẳn so với người mới như vụ đảo chính tại Zimbabwe. Lý do? "Người ra đi" là ông Robert Mugabe, 93 tuổi (ảnh), lãnh đạo quốc gia Nam Phi trong suốt 37 năm.
Cầm quyền từ năm 1980 sau khi Zimbabwe giành độc lập, trải qua 7 nhiệm kỳ tổng thống, ông Mugabe muốn đưa người vợ thứ hai của mình vào vị trí lãnh đạo. Điều này vấp phải những phản ứng quyết liệt dẫn đến vụ binh biến gây chấn động. Ông chính thức từ chức hôm 21/11 và người kế nhiệm là Emmerson Mnangagwa, vốn là phó tổng thống bị ông Mugabe cách chức không lâu trước
Theo Tri Thức Trực Tuyến