Tổng thống Trump lật bài ngửa với Trung Quốc

24/03/2018 11:06:48

Trong suốt 2 thập kỷ qua, các lãnh đạo Trung Quốc đã nương theo các luật lệ thương mại toàn cầu do Mỹ và các nước khác lập nên, nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế và bỏ ngoài tai những phàn nàn của Washington về việc "chơi không đẹp".

Nay, lần đầu tiên Bắc Kinh đối mặt với một tổng thống Mỹ theo chủ nghĩa bảo hộ, đẩy vị lãnh đạo mới được xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước của nền kinh tế số hai thế giới tới một thách thức khó lường: Washington sẽ chuyển sang đối xử với Bắc Kinh như một đối thủ chiến lược và định hình lại quan hệ kinh tế giữa hai bên. 

Nói như trang Bloomberg, kỷ nguyên qua lại mang tính chất xây dựng của Mỹ với Trung Quốc về mặt kinh tế đã qua. Những hành động phủ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22-3 - tuyên bố áp thuế trừng phạt lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị 60 tỉ USD cũng như hạn chế hoạt động đầu tư của nước này vào Mỹ - đã lật bài ngửa về kế hoạch vung gậy, chứ không còn cà rốt, để đạt được các mục tiêu thương mại với Bắc Kinh. Theo tờ The New York Times, động thái thẳng thừng này đặt ông Tập Cận Bình vào một vị trí không dễ chịu: phải trả đũa.

Trong "phát súng cảnh báo" đầu tiên, Trung Quốc hôm 23-3 tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa trị giá 3 tỉ USD nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có mặt hàng trái cây sấy khô, rượu, sản phẩm từ thịt heo, nhôm tái chế… Thông báo trên trang web chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy họ đã lên danh sách 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trở thành đối tượng trả đũa tiềm năng (nếu hai nước không thể dàn xếp vấn đề này).

Tổng thống Trump lật bài ngửa với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký bản ghi nhớ về việc đánh thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc hôm 22-3 Ảnh: REUTERS

Về phần mình, Tổng thống Trump tuyên bố gói thuế trừng phạt 60 tỉ USD mới chỉ là khởi đầu. Câu hỏi đặt ra là liệu "canh bạc" này sẽ dẫn tới sự tái cân bằng lành mạnh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hay kích hoạt một cuộc sát phạt thương mại sẽ mở rộng ra toàn cầu nhiều năm? 

Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại tổ chức Asia Society (Mỹ) Orville Schell nhận định: "Đây là khoảnh khắc nhất thời. Mỹ chưa bao giờ đẩy tình hình tới mức này. Chúng ta không biết liệu đây là động thái xây dựng hay tiêu cực". Cho tới nay, giới đầu tư phản ứng có phần lo sợ, khiến thị trường chứng khoán Mỹ có cú giảm mạnh nhất 6 tuần trong khi thị trường chứng khoán châu Á cũng "đỏ lửa" trong ngày 23-3.

Trong khi đó, "mặt trận" chiến tranh thương mại tiềm tàng thứ hai cũng không kém phần đáng ngại, liên quan tới biện pháp đánh thuế sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của Tổng thống Trump bắt đầu có hiệu lực ngày 23-3. Một số đồng minh ít nhiều nguôi giận khi Washington hôm 22-3 thông báo tạm thời miễn trừ thuế quan đối với Liên minh châu Âu (EU) và một số nước như Argentina, Úc, Brazil và Hàn Quốc.

Giữa lúc Mỹ có vẻ đang tập trung các biện pháp thương mại vào mục tiêu chính là Trung Quốc, các đồng minh ở châu Á của Washington đang kêu gọi bình tĩnh để tránh chiến tranh thương mại, trong đó có Nhật Bản. Quốc gia này là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng không hề có mặt trong danh sách miễn trừ thuế thép và nhôm!

Theo Thu Hằng (Nld.com.vn)

Nổi bật