Việc Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết thực thi một phần sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh vào Mỹ không hoàn tòa là thắng lợi của tổng thống Donald Trump.
Người Mỹ phản đối quyết định của Tòa án Tối cao trong cuộc tuần hành ở khu Manhattan, thành phố New York, ngày 26-6 - Ảnh: Reuters |
Ngày 26-6, Tòa án Tối cao Mỹ - cơ quan tư pháp cao nhất - đã ra phán quyết khôi phục một phần sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ do tổng thống Donald Trump đặt bút ký trước đó.
Phán quyết này xem như tạm treo lại những phán quyết ngăn chặn sắc lệnh trên của các tòa án cấp dưới.
Tòa án Tối cao Mỹ xác nhận sẽ xem xét lại toàn bộ sắc lệnh gây nhiều tranh cãi nói trên vào tháng 10 tới.
1. Ai có liên quan trong sắc lệnh cấm nhập cảnh?
Sắc lệnh có sửa đổi do tổng thống Donald Trump ký mới vào ngày 6-3 cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Mỹ trong vòng 90 ngày đối với công dân 6 quốc gia Hồi giáo gồm Syria, Libya, Iran, Sudan, Somalia và Yémen và trong vòng 120 ngày đối tất cả người nhập cư.
Trong phán quyết mới nhất, 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao cho phép vào đất Mỹ đối với những ai thuộc nhóm 6 quốc gia Hồi giáo kể trên chứng minh có “mối quan hệ xác thực” với người thân gia đình ở Mỹ hoặc doanh nghiệp Mỹ.
Như vậy những công dân thuộc 6 quốc gia kể trên có người thân trong gia đình định cư tại Mỹ có thể xin được thị thực vào Mỹ, hoặc như được một trường đại học ở Mỹ chứng nhận đủ điều kiện đến Mỹ để học tập hoặc được doanh nghiệp mời đến làm việc.
Cũng nên nhớ rằng sắc lệnh đã ký cấm vào đất Mỹ trong 3 tháng đối với công dân của 6 nước Hồi giáo được chính quyền Washington giải thích làm nhằm có đủ thời gian để thiết lập qui trình xét duyệt hồ sơ xin nhập cảnh cho kỹ lưỡng hơn đối với công dân nhóm các nước được nêu tên.
Thời hạn 3 tháng đó so với thời điểm đặt bút ký của tổng thống Trump cũng sắp hết nên vấn đề còn chưa rõ ở đây là cơ quan chức năng Mỹ đã tiến hành rà soát và siết chặt qui trình xét duyệt thị thực hay chưa.
Như vậy nếu sắp tới Tòa án Tối cao ra quyết định có lợi cho sắc lệnh này thì tổng thống Donald Trump hoàn toàn có thể yêu cầu cho áp dụng thời hạn thực thi sắc lệnh, tức kéo dài thêm ba tháng nữa.
Nếu xét về thời gian cần thiết để xây dựng lại qui trình xét duyệt thị thực gắt gao hơn thì đến giờ chính quyền của tổng thống Trump đã có được điều mình muốn.
Người Hồi giáo vào Mỹ ở sân bay quốc tế Washington Dulles bang Virginia ngày 26-6 - Ảnh: Reuters |
2. Tại sao sắc lệnh đã bị ngăn chặn?
Tổng thống Donald Trump đã hai lần nhanh chóng đặt bút ký vào sắc lệnh cấm nhập cảnh với lời giải thích là tăng cường an ninh cho nước Mỹ như lời hứa trong giai đoạn tranh cử.
Sắc lệnh gây tranh cãi cũng như các phản ứng dữ dội đó đã bị các tòa án cấp bang ngăn chặn hai lần vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua. Hai phán quyết của tòa cấp dưới đã bị tổng thống Donald Trump tố cáo là “nền tư pháp bị chính trị hóa”.
Lời tố cáo đó được nhìn theo hướng các bang thuộc đảng Dân chủ, đặc biệt ở bờ Tây của Mỹ, chống đối nhiều nhất. Các phán quyết của tòa cấp bang ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống Trump đều dựa trên lập luận sắc lệnh này mang tính phân biệt với người Hồi giáo - điều mà tổng thống Trump cũng ít khi trả lời rõ ràng.
Giới chức tư pháp các bang của Mỹ cho rằng dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp, khiến nó "mềm mỏng hơn" nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định.
Trước đây các thẩm phán cấp bang sử dụng những dòng Tweet của ông Trump lúc tranh cử nói về "Muslim ban" (Cấm Hồi giáo) nhưng các thẩm phán Tòa án Tối cao cho biết họ không thể dựa vào đây mà chỉ có thể xem xét trên nội dung sắc lệnh đã ký.
3. Quyết định của Tòa Tối cao có phải là thắng lợi của tổng thống Donald Trump?
Trong một thông cáo phát đi ngay sau phán quyết của Tòa Tối cao, tổng thống Donald Trump đã ngợi khen về “chiến thắng rõ ràng cho an ninh quốc gia chúng ta”.
Ông Trump gọi quyết định này như một công cụ giúp ông có thể bảo vệ nước Mỹ một cách hiệu quả.
Vị lãnh đạo Nhà Trắng thậm chí còn “tự sướng” thông tin rằng các thẩm phán đã gần như thống nhất trong quyết định, trong khi có 3 thẩm phán không đạt được mong muốn của mình.
Một người Mỹ da trắng quá khích tỏ ý không hài lòng với người Hồi giáo ở trước tòa nhà Trump Tower tại khu Manhattan, TP New York ngày 26-6 - Ảnh: Reuters |
Có thể thấy đến thời điểm này, đây là một chiến thắng cho tổng thống Trump trong vụ việc này. Nhưng phải thấy rằng quyết định của Tòa Tối cao không hề là thắng lợi hoàn toàn cho chính quyền Donald Trump, bởi lẽ các thẩm phán đã giới hạn đáng kể các trường hợp bị cấm vào Mỹ.
Theo đó các thẩm phán chỉ chấp nhận cấm vào Mỹ với những người không có mối quan hệ nào ở lãnh thổ Mỹ, nên những trường hợp thăm thân, các doanh nhân và sinh viên từ 6 quốc gia Hồi giáo bị kể tên đều được phép vào Mỹ.
Ngay cả việc các thẩm phán bảo thủ nhất trong Tòa Tối cao là Samuel Alito, Neil Gorsuch và Clarence Thomas, đã cố gắng đòi thực thi đầy đủ sắc lệnh của tổng thống nhưng không thành công cũng cho thấy thắng lợi của ông Trump là có mức độ.
Thẩm phán Clarence Thomas thậm chí cho rằng phán quyết mới của Tòa Tối cao sẽ khiến sắc lệnh “không thể thực hiện”, bởi công tác kiểm tra “mối quan hệ xác thực” của người xin vào Mỹ với cá nhân hoặc cơ quan/doanh nghiệp tại Mỹ sẽ đầy khó khăn.
4. Tòa Tối cao sẽ xem xét toàn bộ sắc lệnh như thế nào?
Quyết định xem xét toàn bộ hồ sơ vào tháng 10 tới của Tòa Tối cao được cho là có thể giúp tổng thống Donald Trump có cơ may giành thắng lợi trước những phán quyết ngăn chặn của tòa cấp bang.
Khi đó các thẩm phán sẽ xem xét kỹ về quyền của tổng thống Mỹ liên quan vấn đề nhập cư. Đây là vấn đề mà các cố vấn của tổng thống cũng như các nhà luật học độc lập cho rằng tổng thống Trump có lợi thế.
Tuần trước, tổng thống Trump có tuyên bố rằng sắc lệnh của ông sẽ có hiệu lực trong 72 giờ sau phán quyết của Tòa án Tối cao.
Sau khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra quyết định nói trên, Bộ An ninh Nội địa nước này khẳng định sẽ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của chính quyền Trump một cách hiệu quả và công khai.
Ngay sau khi có phán quyết của Tòa án Tối cao, ông Omar Jadwat, luật sư của tổ chức Liên minh các quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU), tuyên bố: "Việc cấm người Hồi giáo nhập cảnh vi phạm nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp Mỹ theo đó chính phủ không thể có hành động manh tính phân biệt với một tôn giáo nào đó. Các tòa án đã liên tiếp ngăn chặn lệnh cấm mang tính phân biệt này. Giờ đây Tòa án Tối cáo sẽ có cơ hội hủy bỏ nó vĩnh viễn".
Chính quyền Yemen, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng từ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh nêu trên, cũng ã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ.
Một quan chức thuộc Bộ Các vấn đề về người định cư ở nước ngoài của Yemen, ông Ahmed al-Nasi cho rằng quyết định trên sẽ không giúp ích trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, trái lại nó sẽ khiến những nước Hồi giáo có liên quan cảm thấy họ đang trở thành mục tiêu.
Theo H.D.Long (Tuổi Trẻ)