Nếu điều này xảy ra, việc trục xuất 10 đại sứ, trong đó có 7 đại sứ đại diện cho các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, sẽ đánh dấu sự xuống cấp nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa nước này với phương Tây trong 19 năm ông Erdogan cầm quyền.
Kavala, một người đóng góp cho nhiều nhóm xã hội, đã bị cầm tù 4 năm nay sau khi bị cáo buộc tài trợ cho biểu tình trên cả nước vào năm 2013 và liên quan đến cuộc đảo chính thất bại năm 2016.
Ông này đang bị giam trong khi quá trình xét xử vẫn tiếp tục.
Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 18/10, đại sứ các nước Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, New Zealand và Mỹ kêu gọi xử lý nhanh chóng và công bằng đối với trường hợp của Kavala, đồng thời kêu gọi “trả tự do khẩn cấp” cho ông. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập những đại sứ này vì nói rằng tuyên bố của họ là vô trách nhiệm.
“Tôi đã chỉ đạo ngoại trưởng và nói điều cần phải làm: có 10 đại sứ cần bị tuyên bố là không được chào đón. Ông ấy sẽ phải xử lý ngay lập tức”, ông Erdogan nói trong bài phát biểu tại TP Eskisehir.
“Họ sẽ biết và hiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày họ không biết và không hiểu, họ sẽ phải đi”, ông nói trước đám đông đang hò reo.
Đại sứ quán Mỹ, Pháp và Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận nào. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ đã nắm được thông tin và đang đề nghị Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ làm rõ.
Ông Erdogan trước đó nói rằng ông có kế hoạch gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thượng đỉnh G20 ở Rome vào cuối tuần tới.
Một nguồn tin ngoại giao nói rằng có thể xuống thang tình hình vì Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rõ quan điểm, và vụ việc xảy ra ngay trước thềm thượng đỉnh G20 và thượng đỉnh khí hậu ở Glasgow vào cuối tháng này.
“Các đại sứ quán chưa nhận được hướng dẫn nào”, nguồn tin nói, và nhận định rằng vấn đề này có thể được quyết định trong cuộc họp của nội các Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25/10.
Na Uy cho biết đại sứ quán của họ chưa nhận được thông báo nào từ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)