Sự việc đánh dấu bước leo thang mới trong mâu thuẫn ngoại giao, sau khi Bộ Ngoại giao Philippines gửi phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc để lên án hành động “hung hăng” của tàu hải cảnh Trung Quốc, khiến các thuỷ thủ Philippines bị mù tạm thời.
Tổng thống Marcos triệu Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) để nói về “tần suất và cường độ hành động ngày càng tăng của Trung Quốc” đối với lực lượng bảo vệ bờ biển và ngư dân Philippines, phát ngôn viên tổng thống Cheloy Velicaria-Garafil cho biết.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, Đại sứ Hoàng và Tổng thống Philippines đã thảo luận các vấn đề, trong đó có việc làm sao để “quản lý đúng đắn những khác biệt trên biển giữa Trung Quốc và Philippines”.
Ngày 14/2, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định, hải cảnh nước này đã “hành động kiềm chế và chuyên nghiệp”.
Ông Uông cho biết, hai bên đã trao đổi về vụ việc qua đường dây nóng giữa hai bộ ngoại giao.
Vài ngày trước khi xảy ra vụ việc, Mỹ và Philippines đồng ý nối lại hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông, đồng thời ký thoả thuận cho phép Mỹ sử dụng nhiều căn cứ quân sự hơn ở quốc gia Đông Nam Á.
Cũng trong ngày 14/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chỉ trích hành động của hải cảnh Trung Quốc là “khiêu khích và mất an toàn”.
“Mỹ sát cánh với đồng minh Philippines trước việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc được cho là đã dùng thiết bị laser với thuỷ thủ đoàn trên một tàu bảo vệ bờ biển Philippines”, ông Price nói.
Theo Tú Linh (Tiền Phong)