"Đây là mệnh lệnh của tôi với nội các, các thành viên nội các không được thảo luận về Biển Đông với bất kỳ ai. Nếu có thảo luận, chỉ thảo luận nội bộ", Tổng thống Duterte nhấn mạnh trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 17/5.
Theo hãng thông tấn Reuters, yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh nội bộ Chính phủ Philippines có những quan điểm bất nhất về sự hiện diện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc xung quanh khu vực Đá Ba Đầu.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016 đến nay, Tổng thống Duterte quan tâm thiết lập mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc, và bị cho là đã gạt qua một bên những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông để đổi lấy cam kết đầu tư, viện trợ cùng các khoản vay trị giá hàng tỷ USD từ Bắc Kinh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng cùng các cố vấn pháp lý của ông Duterte lại thể hiện các quan điểm cứng rắn đối với các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong bối cảnh phải chịu nhiều áp lực trong nước vì phản ứng yếu ớt trước sự hiện diện của hàng trăm tàu cá của Trung Quốc, ông Duterte hôm 14/5 đã tuyên bố "không lùi bước trên Biển Đông", kể cả khi điều này có thể làm tổn hại mối quan hệ với Bắc Kinh của Manila.
Philippines hồi tháng 3 xác nhận hơn 200 tàu Trung Quốc đã bị phát hiện neo đậu trái phép xung quanh khu vực Đá Ba Đầu, nằm trong cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Philippines khẳng định những tàu cá này do dân quân biển Trung Quốc điều khiển, trong khi phía Trung Quốc phủ nhận điều này và cho biết đây chỉ là tàu cá đang neo đậu để tránh thời tiết xấu.
Trong cuộc họp báo chiều 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời về thông tin Trung Quốc điều thêm tàu tới Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nâng tổng số tàu ở khu vực này lên gần 300.
Người phát ngôn cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
"Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Theo Việt Anh (VietNamNet)