Trong video ghi hình một phiên họp được phát song ngày 14/5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói với ông Duterte rằng nước này có hai chiến hạm hiện diện trên biển Đông.
"Tôi muốn nhắc nhở Trung Quốc rằng tôi có 2 tàu ở đó (biển Đông)... Tôi không sẵn sàng rút lui. Tôi không muốn rắc rối. Tôi tôn trọng lập trường của các vị và các vị tôn trọng lập trường của tôi," Tổng thống Duterte tuyên bố, nhấn mạnh các tàu Philippines "sẽ không lùi bước dù chỉ 1 inch".
"Tôi sẽ không rút lui. Cứ giết tôi nếu các vị muốn, tôi sẽ ở đây. Đó sẽ là lúc kết thúc tình hữu nghị giữa chúng ta."
Ông Duterte cũng cho rằng không sai khi thừa nhận Philippines "thua kém hơn" Trung Quốc khi so sánh về "thế và lực".
Thông điệp mới của Duterte đưa ra sau khi một ngư dân nước này chỉ trích phát ngôn gần đây của Tổng thống, nói rằng tuyên bố trong chiến dịch của ông năm 2016 - về việc sẽ cưỡi mô tô nước để thách thức sự xâm phạm của Trung Quốc trên biển Đông - "thuần túy là nói đùa".
Tổng thống Philippines mới đây cũng nói phán quyết tháng 7/2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) - trong đó bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền phi lý mà Trung Quốc áp đặt trên biển Đông - là "giấy lộn" và "đáng vứt vào sọt rác". Bắc Kinh cũng từ chối công nhận phán quyết.
Chính quyền Duterte đã củng cố quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc nhằm thu về viện trợ kinh tế và nguồn đầu tư. Trung Quốc cũng hỗ trợ đáng kể cho Philippines trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thời gian qua.
"Tôi không muốn chiến tranh với Trung Quốc, đó là điều tôi ít mong muốn nhất. Tôi nhắc lại là chúng ta có món nợ ân tình [với Trung Quốc]," ông nói.
Căng thẳng trên biển giữa Manila và Bắc Kinh bùng lên từ tháng 3, sau khi Philippines lên án hơn 200 tàu cá Trung Quốc - bị cáo buộc là lực lượng "dân quân biển" - tập trung đông đúc ở vùng nước xung quanh đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Philippines phát đi nhiều khiếu nại đến Trung Quốc trong những tuần gần đây liên quan đến "sự hiện diện tràn ngập và đe dọa" của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước này.
Quốc gia Đông Nam Á cũng tăng cường hiện diện trên biển Đông thông qua các cuộc "tuần tra gìn giữ chủ quyền", nhằm làm dịu những chỉ trích về sự nhân nhượng của chính quyền Duterte trước Trung Quốc.
Theo PV (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)