Trước khi rời Saudi Arabia, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (16/7) đã họp Hội nghị Thượng đỉnh với 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Một trong những mục tiêu mà Tổng thống Mỹ đặt ra trong chuyến thăm nay là mong muốn Saudi Arabia và các đối tác của nước này trong nhóm Tổ chức Các nước Xuất khầu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu để bình ổn thị trường nhiên liệu, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Tuy nhiên, ngay trong bài phát biểu tại hội nghị, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - đã “dội gáo nước lạnh” vào tham vọng của Tổng thống Mỹ khi nói rằng, Saudi Arabia đã thông báo tăng công suất sản xuất lên 13 triệu thùng/ngày, do đó quốc gia Trung Đông này không còn năng lực nào để tăng sản lượng thêm nữa. Theo Thái tử Mohammed bin Salman, cần phải có các nỗ lực thống nhất để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, cho rằng các chính sách phi thực tế liên quan đến các nguồn năng lượng sẽ chỉ dẫn đến lạm phát.
“Việc chấp nhận những chính sách không thực tế để giảm khí thải bằng cách loại bỏ các nguồn cung năng lượng chính sẽ dẫn đến lạm phát chưa từng có trong những tháng tới, với giá năng lượng tăng, tỷ lệ thất nghiệp tăng và làm trầm trọng thêm những vấn đề xã hội và an ninh”.
Không chỉ từ chối yêu cầu tăng sản lượng dầu mỏ, mong muốn đưa Israel vào trục an ninh khu vực nhằm chống Iran của người đứng đầu nước Mỹ cũng “tan thành mấy khói”. Thông cáo chung đưa ra sau hội nghị đã gần như không đề cập vấn đề này và thậm chí còn bị đánh giá là mơ hồ. Bởi trên thực tế, kế hoạch kết nối các hệ thống phòng không sẽ là điều khó chấp nhận với các nước Arab không có quan hệ ngoại giao với Israel, thậm chí các nước này còn không muốn tham gia vào một liên minh chống Iran, trong khi Iran có một mạng lưới ảnh hưởng rộng khắp khu vực, bao gồm Iraq, Lebanon và Yemen.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, còn nói rằng ông không biết bất kỳ cuộc thảo luận nào về một liên minh phòng thủ giữa vùng Vịnh và Israel, khẳng định Saudi Arabia không tham gia những cuộc bàn bạc như vậy.
Cũng theo Ngoại trưởng Saudi Arabia, quyết định của nước này khi mở không phận cho tất cả các hãng hàng không không liên quan đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và không phải tiền đề cho các bước đi xa hơn nữa
Với kết quả này, có thể nói chuyến thăm Saudi Arabia nói riêng và các mục tiêu cho Hội nghị Thượng đỉnh với 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh của ông Biden đã gần như phá sản. Dù không thể hiện sự thất vọng, song nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh khi kết thúc hội nghị rằng, ông sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của sản lượng dầu trong những tháng tới và rằng Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác tích cực tại khu vực Trung Đông. Ông hi vọng, các vấn đề sẽ sớm được giải quyết khi các bên hợp tác với nhau chặt chẽ hơn
"Mỹ đầu tư xây dựng một tương lai tích cực trong khu vực, trong quan hệ đối tác với các bạn. Mỹ không đi đâu cả. Trên bàn hội nghị là rất nhiều những người có vai trò giải quyết vấn đề, có rất nhiều thứ chúng ta có thể giải quyết nếu hợp tác với nhau”.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ và các nước Arab diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên tới Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Một trong những mục tiêu mà nhà lãnh đạo Mỹ hi vọng qua chuyến thăm lần này là thuyết phục được Saudi Arabia và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác tăng sản lượng dầu nhằm hạ nhiệt giá năng lượng./.
Theo Hồng Nhung (Vov.vn)