Câu chuyện về vị quan "thanh liêm" thời nhà Thanh thoạt nghe có vẻ như tấm gương sáng về lối sống giản dị. Thế nhưng sự thật phía sau lại khiến người đời bàng hoàng khi chính ông bị vị vua nổi tiếng nghiêm khắc - Ung Chính ra lệnh xử trảm.
Cải thảo luộc và vụ án chấn động
Ít ai biết được, thời kỳ phong kiến Trung Quốc, các vị hoàng đế nhà Thanh luôn rất coi trọng công tác chống tham nhũng. Nhắc đến vấn đề này, nhiều người sẽ nhớ đến một tình tiết trong "Lý Vệ làm quan".
Lúc bấy giờ, Đường Diệu Văn đang giữ chức Tổng đô Lưỡng Giang. Vị quan này nổi tiếng "thanh liêm", ngày ngày chỉ ăn cải thảo luộc. Tuy nhiên, sau khi Ung Chính tìm hiểu sự thật về thói quen ăn uống này lại ra lệnh xử trảm cả gia tộc ông ta. Chuyện gì đã xảy ra?
Xuất thân kham khổ và vỏ bọc hoàn hảo
Theo sử sách ghi chép, vào thời vua Ung Chính, có một vị quan tên là Đường Diệu Văn xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Nhờ kiên trì học tập, ông đã thi đỗ và bước vào con đường quan trường.
Do có nhiều thành tích xuất sắc, Đường Diệu Văn được Ung Chính bổ nhiệm làm Tổng đô Lưỡng Giang - một chức vụ quyền cao. Dù vậy, ông vẫn giữ nếp sống giản dị, ngày ngày ăn uống đạm bạc với món cải thảo luộc.
Hành động này khiến nhiều quan lại trong triều hết sức khâm phục. Bởi lẽ, với bổng lộc của một vị Tổng đô Lưỡng Giang, Đường Diệu Văn hoàn toàn có thể sống trong nhung lụa. Vua Ung Chính sau khi nghe chuyện cũng rất hài lòng, muốn ban thưởng cho ông.
Thế nhưng, đúng lúc này, một người đã bí mật tố cáo Đường Diệu Văn tham ô, nhũng nhiễu, gây nhiều oán thán trong dân chúng.
Hành trình vạch mặt kẻ gian tham
Để làm rõ sự thật, vua Ung Chính đã phái Lý Vệ - một đại thần trong triều bí mật đến Lưỡng Giang điều tra.
Tại đây, Lý Vệ phát hiện ra rằng Đường Diệu Văn đúng là ngày nào cũng ăn cải thảo luộc. Tuy nhiên, ông ta chỉ ăn phần ngon nhất của cây cải, còn phần còn lại thì vứt bỏ.
Không chỉ vậy, để chế biến món ăn "giản dị" này, Đường Diệu Văn đã chi rất nhiều tiền để mua những nguyên liệu và dược liệu quý hiếm. Thậm chí, ông ta còn dùng cả nhân sâm để làm củi đun, tránh cho mùi khói ám vào món cải thảo.
Cách chế biến món cải thảo luộc của Đường Diệu Văn được cho là dựa trên món "Khai thủy bạch thái" - một trong mười món ăn kinh điển của Tứ Xuyên. Món ăn này còn được mệnh danh là "Tinh hoa của ẩm thực Tứ Xuyên không cay".
"Khai thủy bạch thái" được tạo ra bởi đầu bếp nổi tiếng Hoàng Kính Lâm khi ông làm việc trong cung nhà Thanh. Sau này, món ăn này được đầu bếp Tứ Xuyên La Quốc Vinh phát triển và trở thành một trong những món ăn đặc sắc nhất trong các quốc yến hiện tại của Trung Quốc.
Món ăn này tuy nhìn đơn giản, tự nhiên nhưng lại là món canh được chế biến vô cùng kỳ công.
Để chế biến món "Khai thủy bạch thái", người ta thường sử dụng phần lõi non của cải thảo trắng trồng ở miền Bắc Trung Quốc. Nước dùng được ninh từ xương gà, vịt, sườn heo. Sau đó, người ta cho thịt gà, thịt lợn băm nhỏ vào để nước dùng thêm ngọt. Nước luộc cải thật ra là canh gà hầm đến khi trong suốt, vậy nên món ăn có nước luộc thanh trong, nước luộc đọng mỡ gà nhưng mùi lại rất thơm, thanh đạm dễ ăn.
Món "Khai thủy bạch thái" có hương vị thơm ngon, nước dùng đậm đà, vị ngọt tự nhiên từ thịt. Trước đây, phần xương gà, vịt, sườn heo sau khi ninh xong thường bị bỏ đi. Ngày nay, người ta thường tận dụng phần nguyên liệu này để chế biến thành các món ăn khác.
Bài học cho hậu thế
Qua quá trình điều tra, Lý Vệ còn phát hiện ra nhiều chứng cứ cho thấy Đường Diệu Văn đã tham ô một số lượng lớn tiền của. Nhiều người dân cũng lên tiếng tố cáo những hành vi nhũng nhiễu của ông ta.
Do Đường Diệu Văn nắm giữ quyền lực lớn nên người dân không dám kêu oan. Sau khi Lý Vệ báo cáo lại mọi chuyện, vua Ung Chính vô cùng tức giận.
Để trừng trị gian thần, đồng thời răn đe các quan lại khác, vua Ung Chính đã ra lệnh xử trảm Đường Diệu Văn cùng toàn bộ gia tộc.
Sau khi Đường Diệu Văn chết, người dân Lưỡng Giang vô cùng vui mừng. Còn những kẻ từng hối lộ ông ta thì vô cùng lo sợ, nhiều kẻ đã vội vàng từ quan để tránh bị liên lụy.
Câu chuyện về Đường Diệu Văn là một bài học sâu sắc cho hậu thế. Nếu ông ta không cố tỏ ra "thanh liêm" một cách thái quá thì có lẽ đã sống lâu hơn.
Theo Nguyệt Phạm (Phụ Nữ Số)