Vị Hoàng đế nhà Thanh bị vợ 'cắm sừng' suốt 10 năm không biết và cuộc trả thù khiến cuộc đời cả 3 rơi vào bi kịch

14/10/2024 22:19:29

Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh đau đớn khi phát hiện bị vợ phản bội sau 10 năm, điên cuồng trả thù vợ không thương tiếc.

Trong lịch sử cận đại Trung Quốc, Phổ Nghi được nhận định là một nhân vật chính trị quan trọng, đồng thời cũng là một vị vua có cuộc đời bi kịch.

Vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh lần đầu lên ngôi vào năm 3 tuổi, tới 6 tuổi thì buộc phải thoái vị, 10 tuổi lại bị đuổi khỏi Tử Cấm Thành. Sau này, ông bị biến thành con rối bù nhìn trong tay Nhật Bản với cái danh "Quốc trưởng Mãn Châu Quốc".

Vì sao lại nói Phổ Nghi là một vị vua có số phận bi kịch? Đó không chỉ là do ông đã buộc phải từ bỏ cơ nghiệp hơn 2 thế kỷ của tổ tông, mà còn bởi ông sở hữu cuộc sống hôn nhân đầy ngang trái.

Bị Hoàng hậu "cắm sừng" vì bất lực

Theo đó, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh từng có tới 5 bà vợ, nhưng lại không có nổi một mụn con để nối dõi tông đường. Hoàng hậu Uyển Dung – người vợ đầu tiên ông kết hôn cũng là người được ông yêu thương nhất thậm chí còn "cắm sừng" ông.

Vị Hoàng đế nhà Thanh bị vợ 'cắm sừng' suốt 10 năm không biết và cuộc trả thù khiến cuộc đời cả 3 rơi vào bi kịch
Ái Tân Giác La Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh - Ảnh minh hoạ

Uyển Dung sinh năm 1906 và xuất thân từ gia tộc Quách Bố La thị, một trong những thế gia vọng tộc. Bố của bà - ngài Vinh Nguyên từng làm việc trong bộ hộ gia đình hoàng gia. Mẹ ruột của Uyển Dung qua đời khi bà mới hai tuổi. Vì thế, Uyển Dung được nuôi dưỡng bởi mẹ kế là bà Hằng Hương.

Năm 1922, Uyển Dung được hoàng đế Phổ Nghi chọn. Cùng với Uyển Dung, Văn Tú, người được nhận cờ vàng cũng được chọn vào cung. Tuy nhiên, thời điểm này gia tộc của Văn Tú đã suy tàn, không thể cạnh tranh với Uyển Dung nên Uyển Dung đã trở thành Hoàng hậu cuối cùng thời nhà Thanh. Ngoài ra, Văn Tú lại có vẻ ngoài giản dị, ăn nói không giỏi nên không thể giành được "Thánh Tâm" như người đẹp Uyển Dung.

Nhưng điều kỳ quái nằm ở chỗ, vào đêm ngày cưới, Hoàng đế và Hoàng hậu lại không hề động phòng.

Theo hồi ức của thái giám cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa là Tôn Diệu Đình, vào tối ngày 30/11/1922 (ngày thành thân của Hoàng đế), Phổ Nghi chỉ đưa Uyển Dung tới hoan phòng ở Khôn Ninh Cung rồi không ở lại mà đến Dưỡng Tâm điện chơi cùng các thái giám nhỏ tuổi đến khi trời sáng.

Bàn luận về căn nguyên khiến vua Phổ Nghi trở nên bất lực, thái giám Tôn Diệu Đình cho rằng có thể xuất phát từ lối sống của vua khi còn nhỏ.

"Trước kia, thái giám trong cung khi muốn trốn việc thì thường xuyên đưa cung nữ cho Phổ Nghi chơi đùa từ lúc nhà vua mới lên 10. Đến năm 12, 13 tuổi, cơ thể của hoàng đế đã lao lực từ sớm vì phòng the quá độ."

Ngay trong cuốn hồi ký của mình, vua Phổ Nghi cũng viết rằng từ khi mới lên 10 tuổi, ông đã sớm biết được "mùi phụ nữ". Có những đêm, nhà vua trẻ còn được 2-3 cung nữ hầu hạ. "Sáng hôm sau tỉnh dậy, ta thấy hoa mắt, chóng mặt, nhìn mặt trời và mọi thứ xung quanh đều ra màu vàng ệch". Đó chính là những lời mà Phổ Nghi viết trong hồi ký của mình.

Trong một cuốn sách được xuất bản bởi chuyên gia nghiên cứu lịch sử Thanh triều là Giả Anh Hoa, nhà sử học này đã đưa ra bằng chứng thuyết phục nhất trước tin đồn Phổ Nghi bị yếu sinh lý.

Vào năm 1962, khi Phổ Nghi đang điều trị tại Bệnh viện Hiệp Hòa (Bắc Kinh), bệnh lý ghi lại tình trạng của ông có viết rõ: "Bệnh nhân khi lên ngôi Hoàng đế vào 30 năm trước đã bị liệt dương, dù liên tục điều trị nhưng không khả quan. Người bệnh còn có thói quen hút thuốc, đã vài lần kết hôn nhưng không có con…".

Về phía Hoàng hậu Uyển Dung, vì chuyện "giường chiếu" giữa hai vợ chồng không hoà hợp nên tâm trạng của bà ngày càng không vui. Bà dần rơi vào trầm cảm và bắt đầu tập hút thuốc phiện để vơi bớt sự cô đơn chốn thâm cung.

Vị Hoàng đế nhà Thanh bị vợ 'cắm sừng' suốt 10 năm không biết và cuộc trả thù khiến cuộc đời cả 3 rơi vào bi kịch - 1
Hoàng hậu Uyển Dung và vua Phổ Nghi

Song, thuốc phiện không phải là điều tàn bạo nhất mà vị Hoàng hậu này từng làm, bà còn ngoại tình với Tề Kế Trung, cận vệ thân cận của vua Phổ Nghi.

Tề Kế Trung ban đầu được biết đến là người cẩn thận, trung thành nên từ lâu đã được nhà vua tin dùng. Sau khi nhà Thanh sụp đổ, các thái giám và cung nữ bị đuổi đi hết nhưng họ Tề vẫn được giữ lại. Sau khi vua Phổ Nghi trở thành bù nhìn của Mãn Châu, ông còn cử Tề Kế Trung sang Nhật huấn luyện với lời giới thiệu "là 1 tài năng xuất chúng đáng được trau dồi".

Được vua tin tưởng là vậy, nhưng trong một lần gặp gỡ Hoàng hậu Uyển Dung, hắn đã không kìm được dục vọng trước người con gái xinh đẹp. Hơn nữa, Uyển Dung đã cô đơn từ rất lâu nên dễ dàng ngã vào lòng kẻ cận thần và bắt đầu chuyện tình vụng trộm trong thời gian dài.

Mãi đến năm 1935, khi Uyển Dung mang thai và chuẩn bị sinh con, Phổ Nghi mới phát hiện ra sự thật.

Cuộc trả thù của vua Phổ Nghi

Lúc mới biết được chân tướng, Phổ Nghi giận sôi máu, cảm thấy bản thân bị "cắm sừng" đến mức không còn mặt mũi nào. Ông vốn định rút súng bắn chết kẻ phản bội, nhưng lại sợ tin đồn lan xa làm ảnh hưởng đến thể diện hoàng thất.

Vị Hoàng đế nhà Thanh bị vợ 'cắm sừng' suốt 10 năm không biết và cuộc trả thù khiến cuộc đời cả 3 rơi vào bi kịch - 2
Hoàng hậu Uyển Dung sinh năm 1906, mất năm 1946

Hơn nữa, Tề Kế Trung đã trở thành tay sai cho Nhật nên ông không dám giết họ. Cuối cùng, Hoàng đế buộc phải "xuất quỹ" cho kẻ ấy đến 400 đồng bạc Đông Dương để "ém miệng" và cho chúng cao chạy xa bay.

Về số phận của người con gái mà Hoàng hậu sinh ra, có giai thoại truyền lại rằng, ông đã ném thẳng đứa bé vào nồi hơi và thiêu chết. Sau khi mất con, Uyển Dung cũng trở nên mất trí. Đây là sự trả thù dã man của Phổ Nghi với vợ.

Hoàng hậu Uyển Dung sau đó cũng bị giam trong phòng kín 10 năm, cách ly với thế giới bên ngoài.

Trong cuốn hồi ký của mình, Phổ Nghi kể lại rằng: "Tôi nghe nói Uyển Dung ngày đêm làm bạn với thuốc phiện. Bà ấy hút thuốc phiện thay ăn cơm, uống nước…"

Năm 1945, Phổ Nghi tháo chạy bỏ lại Uyển Dung, thê thiếp và các thành viên hoàng gia khác. Uyển Dung cùng với em dâu Saga Hiro và những người còn lại trong nhóm của bà cố gắng chạy trốn sang Hàn Quốc nhưng bị quân du kích bắt giữ vào tháng một năm 1946.

Do nội chiến, Uyển Dung và Saga được chuyển đến một nhà tù khác ở Diên Cát. Một mệnh lệnh được ban hành để đưa Uyển Dung, Saga Hiro và đoàn tùy tùng của họ đến Mẫu Đơn Giang và sau đó đến Giai Mộc Tư nhưng Uyển Dung không còn sức để di chuyển và người quản lý nhà tù nói rằng tốt nhất là nên để Uyển Dung lại. Những ngày cuối cùng của Uyển Dung, bà không có bất kỳ người thân hay bạn bè nào ở bên.

Sau khi em dâu Saga Hiro được đưa đi, Uyển Dung chết trong tù vào ngày 20 tháng 6 năm 1946 khi chưa tròn 40 tuổi. Một số người nói rằng xác của bà được quấn trong một mảnh vải và bị vứt bỏ trên những ngọn đồi phía bắc Diên Cát trong khi những người khác cho rằng bà được chôn cất ở phía nam Diên Cát. Hài cốt của bà không bao giờ được tìm thấy.

Theo Nguyễn Phượng (Thanh Niên Việt)