Cho tới nay, chưa có quốc gia nào đạt được "thành tích" hiếm hoi như Triều Tiên khi có thể lấy được tới 87 chiếc trực thăng mới toanh từ Mỹ.
Chiêu lừa cao tay
Ngày 27/7/2013, khi một hàng xe bọc thép chở quân và xe tăng Triều Tiên tiến qua lễ đài, trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, để kỷ niệm ngày chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu với Mỹ 60 năm trước thì phía trên bầu trời, 4 chiếc trực thăng cỡ nhỏ MD 500E (do Mỹ sản xuất) cũng lần lượt bay qua theo từng cặp.
Hình ảnh của chúng xuất hiện ở phút thứ 3:13 trong đoạn video dưới đây.
Trực thăng MD 500 xuất hiện trong lễ diễu binh kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên. Nguồn: RT |
Nếu quan sát kỹ, có thể thấy các máy bay này có các giá treo tên lửa chống tăng ở 2 bên thân.
Trong bài viết trên tạp chí National Interest, chuyên gia Sébastien Roblin cho biết, đó là hình ảnh đầu tiên xác nhận Bình Nhưỡng có trong tay một phi đoàn với 87 trực thăng do Mỹ sản xuất. Chúng được chuyển lậu vào quốc gia này hơn ¼ thập kỷ trước đây.
MD 500 là phiên bản dân sự của trực thăng trinh sát hạng nhẹ OH-6 Cayuse trong trang bị Lục quân Mỹ, được đưa vào biên chế quân đội Mỹ trong những năm 1960. Thiết kế tuyệt vời này được đặt biệt danh là "Flying Egg" (Tạm dịch: Trứng bay) do thân máy bay nhỏ gọn, có hình bầu dục.
Quân đội Mỹ đã triển khai rộng rãi các trực thăng cỡ nhỏ OH-6 để sơ tán binh lính thương vong, hộ tống trực thăng vận tải của Mỹ/đồng minh, theo dõi các lực lượng đối địch ở tầm gần, hoặc yểm trợ hỏa lực hạng nhẹ cho các binh sĩ dưới mặt đất bằng minigun và rocket.
Với mức giá "siêu rẻ" – 20.000 USD/chiếc (theo mệnh giá năm 1962), OH-6 có kích cỡ đủ nhỏ và độ linh hoạt cao để có thể hạ cánh xuống những khu vực mà các trực thăng khác không thể. Tuy nhiên, chúng dễ bị thiệt hại trước hỏa lực đối phương.
Hiện nay, các phiên bản Gunship (yểm trợ hỏa lực) và Tác chiến đặc biệt MH-6, AH-6 "Little Bird" vẫn tiếp tục tham gia vào các hoạt động của quân đội Mỹ tại châu Phi và Trung Đông.
Trực thăng AH-6 Little Bird của Lục quân Mỹ. (Nguồn ảnh: Quân đội Mỹ) |
Trong những năm 1980, tập đoàn McDonnell Douglas của Mỹ đã nhận được đơn đặt hàng 102 trực thăng từ Delta-Avia Fluggerate – một công ty xuất khẩu đăng ký tại Tây Đức, do doanh nhân Kurt Behrens đứng tên.
Từ năm 1983-1985, công ty Associated Industries của Mỹ đã chuyển giao 86 trực thăng MD 500D và –E, cùng 1 trực thăng Hughes 300 (mẫu trực thăng 2 chỗ ngồi có kích cỡ nhỏ hơn cả MD 500) thông qua 6 chuyến hàng xuất khẩu của Delta Avia sang Nhật Bản, Nigeria, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, tháng 2/1985, Bộ Thương Mại Mỹ cho biết họ đã phát hện một số điểm bất thường "đến dựng tóc gáy" trong hoạt động của Delta Avia và những tuyên bố không trung thực của công ty này về điểm đến của các lô hàng.
Chẳng hạn, 15 chiếc trực thăng đã được bốc dỡ tại Rotterdam, sau đó được vận chuyển bằng đường bộ tới tàu chở hàng Prorokov của Liên Xô, rồi được con tàu này đưa tới Triều Tiên.
Tương tự, một tàu chở hàng neo tại Nhật Bản đã chuyển 2 chiếc trực thăng tới một tàu chở hàng khác của Triều Tiên ở Hồng Kông.
Ngoài ra, Bộ Thương Mại Mỹ còn phát hiện ra rằng anh em nhà Semler – điều hành công ty Associated Industries – là chủ sở hữu đa số (vốn) bí mật của Delta Avia.
Trong số 102 chiếc trực thăng được chế tạo, 87 chiếc đã được chuyển lậu sang Triều Tiên, 15 chiếc MD 500 còn lại bị thu giữ. Anh em nhà Semler bị đưa ra xét xử vào năm 1987 vì vi phạm luật cấm xuất khẩu sang Triều Tiên.
Delta-Avia Fluggerate được cho là một công ty "bình phong" để vận chuyển các máy bay này sang Triều Tiên. Họ sẽ nhận được 10 triệu USD lợi nhuận nếu hoàn tất hợp đồng.
Tham gia vào hoạt động này còn có một công ty bảo hiểm ở London, các khoản thanh toán sẽ được chuyển qua các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ.
Tập đoàn McDonnell Douglas không hề hay biết mình đã bị lừa để chuyển giao gần 100 chiếc trực thăng trinh sát cho quốc gia đối địch với Mỹ.
Tuy nhiên, anh em Semler đã được giảm án do thành khẩn nhận tội, họ khai báo đã bị Behrens đánh lừa về đích đến của các lô trực thăng. Cuối cùng, số tiền mà nhà Semler phải nộp phạt lại ít hơn rất nhiều so với số tiền mà họ đã nhận được trong vụ làm ăn này.
Trong khi đó, Behrens tuyên bố MD 500 không vi phạm luật cấm xuất khẩu sang Triều Tiên bởi chúng không phải là phiên bản quân sự.
Về sau, một số nguồn tin tiết lộ rằng Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) đã biết hoạt động buôn lậu này do một tùy viên Triều Tiên ở Berlin quản lý và được một công ty vận tải của Liên Xô ở Tây Đức hỗ trợ.
Tuy nhiên, họ quyết định không cung cấp thông tin cho giới chức dân sự vì không muốn bị lộ việc nghe trộm đại sứ quán tại Đức.
Tại sao Triều Tiên muốn có MD 500?
4 trực thăng MD 500 của Triều Tiên (Ảnh: War is Boring) |
Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Triều Tiên lại muốn có các trực thăng MD 500?
Phiên bản dân sự chắc chắn không có bất cứ công nghệ tiên tiến hay thiết bị quân sự đặc biệt nào mà Triều Tiên hay Liên Xô sống chết muốn có.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã mua cả phiên bản dân sự và quân sự của MD 500 vì chúng rất rẻ, sau đó hoán cải, trang bị các pod súng và rocket cho phiên bản dân sự để chúng có thể đảm nhiệm các vai trò quân sự.
Một trong những quốc gia đó là Hàn Quốc. Hãng Korean Air đã chuyển giao hơn 200 trực thăng MD 500 được chế tạo theo giấy phép cho Lục quân và Không quân Hàn Quốc.
Vì thế, theo ông Roblin, có vẻ như Triều Tiên muốn dùng trực thăng MD 500 để thâm nhập qua khu phi quân sự, tiến hành các cuộc đột kích bất ngờ, tuồn gián điệp hoặc lực lượng chống phá vào Hàn Quốc.
Hiện Triều Tiên có hơn 200.000 lính biệt kích trong lực lượng tác chiến đặc biệt – đông đảo hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Trong trường hợp xảy ra xung đột với người hàng xóm phía nam, Bình Nhưỡng sẽ triển khai hàng nghìn đặc vụ vào Hàn Quốc thông qua hệ thống đường hầm, tàu ngầm, tàu tàng hình hoặc trực thăng để làm gián đoạn đường dây thông tin liên lạc, cung ứng của Hàn Quốc, đồng thời gây hoảng loạn trên diện rộng cho đối phương.
Sau khi biết các trực thăng MD 500 bị chuyển lậu sang Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan khi đó đã rất giận dữ, quở trách Washington vì vô tình khiến cho kế hoạch xâm nhập của Triều Tiên trở nên dễ dàng hơn.
Bình Nhưỡng đã giữ bí mật về phi đoàn MD 500 trong nhiều thập kỷ, mặc dù một Đại tá Triều Tiên từng thừa nhận về vụ mua bán này trong một cuộc phỏng vấn năm 1996 với tạp chí Der Spiegel của Đức.
Duy trì hoạt động và tìm kiếm nguồn cung cấp phụ tùng cho các trực thăng MD 500 là một thách thức khá lớn với Triều Tiên.
Sau khi lộ diện vào năm 2013, 4 chiếc trực thăng MD 500 một lần nữa xuất hiện tại triển lãm hàng không Wonsan 2016, một chiếc trong số này còn thực hiện những động tác khó để phục vụ khán giả.
Trực thăng MD 500 tại triển lãm hàng không Wonsan 2016. Nguồn: You Tube |
Những chiếc MD 500 của Bình Nhưỡng đã được sửa đổi để mang theo 4 tên lửa chống tăng Susong-Po, phiên bản do Triều Tiên tự sản xuất dựa theo mẫu Malyutka-P (NATO định danh: AT-3 Sagger-C) của Nga. Đây là các tên lửa bán tự động, được dẫn hướng bằng dây.
Phiên bản trước đó của AT-3 đã trở nên nổi tiếng sau khi "thổi bay" các xe tăng Patton của Israel trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Điều đó cho thấy Triều Tiên có ý định để những chiếc trực thăng cỡ nhỏ này đảm nhiệm vai trò tấn công.
Về phần mình, Hàn Quốc trang bị cho MD 500 các tên lửa chống tăng TOW. Hãng Korean Air thậm chí còn đề xuất chuyển đổi một số trực thăng AH-6 "Little Bird" sang phiên bản không người lái. Đây có thể là một cách tiện dụng để triển khai trực thăng trên chiến trường - nơi tỷ lệ sống sót của chúng không cao cho lắm.
Thành tích "hiếm hoi"
Cần nói thêm rằng, Bình Nhưỡng không phải là quốc gia duy nhất sử dụng các "công ty vỏ bọc" như trên để có được vũ khí Mỹ.
Iran đã trở nên "khét tiếng" khi có thể mua được phụ tùng từ Mỹ cho các máy bay chiến đấu F-14 Tomcat trong nhiều thập kỷ.
Năm 1992, các công ty vỏ bọc do Anh thành lập đã mua được một số xe tăng T-80 từ Nga với giá 5 triệu USD/chiếc. Trên danh nghĩa, chúng sẽ được đưa vào trang bị của Morocco. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng đã bị người Anh tháo dỡ, mổ xẻ kỹ lưỡng rồi chuyển sang Mỹ.
Gần đây nhất, vào năm 2015, Alexander Brazhnikov – một công dân Mỹ - đã bị bắt sau khi sử dụng các công ty vỏ bọc ở Ireland, Latvia, Panama và 5 quốc gia khác để chuyển lậu các thiết bị điện tử thuộc diện "bị hạn chế" cho Bộ Quốc phòng, chương trình vũ khí hạt nhân và các cơ quan tình báo của Nga. Được biết, số thiết bị này trị giá tới 65 triệu USD.
Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào đạt được "thành tích" hiếm hoi như Triều Tiên khi có thể lấy được tới 87 chiếc trực thăng mới toanh từ Mỹ.
*** Bài viết bao gồm các tư liệu do chuyên gia Sébastien Roblin - thạc sĩ về Giải quyết xung đột từ Đại học Georgetown (Mỹ) tổng hợp.
Theo Linh Lâm (Soha/Thời Đại)