Lịch sử cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều từng nhận định sai về ý đồ của đối phương, dẫn tới những hậu quả thảm khốc.
Khẩu chiến giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng giữa hai nước. Ảnh: SCMP. |
Những lời lẽ đầy đe dọa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra gần đây đã làm leo thang đáng kể căng thẳng giữa hai nước, khiến nguy cơ nổ ra xung đột cao hơn bao giờ hết và những hy vọng về giải pháp ngoại giao dường như ngày càng trở nên xa vời, theo BBC.
Theo tiến sĩ John Nilsson-Wright, chuyên gia về Đông Bắc Á tại Viện Chatham, nhìn bề ngoài, bài phát biểu đầy quyết liệt của ông Trump tại Liên Hợp Quốc là sự tiếp nối về chính sách của những người tiền nhiệm, trong đó thể hiện rõ rằng biện pháp quân sự với hậu quả có thể dẫn đến sự "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" chỉ được thực hiện khi Mỹ "buộc phải tự bảo vệ mình và đồng minh".
Các chiến lược gia Mỹ nhiều khả năng cũng cho rằng việc họ triển khai phi đội oanh tạc cơ bay dọc bờ biển Triều Tiên là biện pháp răn đe bổ sung cần thiết nhằm gửi một thông điệp mạnh tới Triều Tiên để nước này không có thêm các hành động khiêu khích.
Tuy nhiên, theo Nilsson-Wright, sự nguy hiểm của cách diễn giải này nằm ở chỗ nó chỉ là cách hiểu một chiều và quá lạc quan của Mỹ. Bài học lịch sử từ thời Chiến tranh Lạnh và hậu chiến tranh Triều Tiên cho thấy đã có rất nhiều lần các nước hiểu sai và tính toán sai lầm về ý đồ cũng như thông điệp mà đối phương phát ra.
Cố chủ tịch Kim Nhật Thành từng tin rằng Mỹ sẽ không đưa quân can thiệp khi Triều Tiên phát động cuộc tấn công vào Hàn Quốc tháng 7/1950. Tướng Mỹ Douglas MacArthur sau đó cũng tự tin tuyên bố ông có thể đưa lực lượng vượt qua Khu Phi quân sự (DMZ) để thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực mà không ngờ tới sự can thiệp của Trung Quốc. Những lần nhận định sai lầm về đối thủ đó đều dẫn tới những hậu quả thảm khốc trong lịch sử.
Tình báo Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên không có phản ứng gì trước phi đội oanh tạc cơ Mỹ bay dọc bờ biển cuối tuần trước là do hệ thống radar nước này không phát hiện được sự hiện diện của những chiếc B-1B, hoặc Bình Nhưỡng cố tìm cách tránh leo thang căng thẳng có thể làm nổ ra xung đột.
Nhưng Nilsson-Wright khẳng định những báo cáo kiểu này đã không tính đến vai trò của cảm xúc trong bất cứ kịch bản leo thang nào. Việc ông Trump gọi Kim Jong-un là "Người Tên lửa" có thể bị Bình Nhưỡng coi là hành vi xúc phạm nặng nề đến nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên. Sự xúc phạm đó có thể thôi thúc ông Kim đưa ra biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn những ngôn từ mà ông và Ngoại trưởng Triều Tiên đã tung ra nhắm vào Tổng thống Mỹ.
Theo chuyên gia này, Triều Tiên có thể tính đến những biện pháp đáp trả bằng quân sự, chẳng hạn như cho nổ bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương, thậm chí thực hiện những vụ pháo kích vào lãnh thổ Hàn Quốc, tương tự vụ nã pháo vào đảo tiền tiêu Yeonpyong tháng 10/2010. Bình Nhưỡng cũng có thể đi xa hơn với các hành động khiêu khích ở quy mô nhỏ, như triển khai lực lượng đặc nhiệm phá hoại các khẩu đội tên lửa của Hàn Quốc hay đe dọa viên chức chính quyền Hàn Quốc gần DMZ. Họ cũng có thể phát động các cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ sở thương mại hoặc sở chỉ huy quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
|
Hàn Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo đáp trả hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap. |
Để đối phó với các hành động khiêu khích của Triều Tiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster tuyên bố Washington đã vạch ra 4-5 biện pháp phản ứng, trong đó có cả các hành động quân sự, ngay cả khi không có sự đồng thuận của Hàn Quốc.
Các chuyên gia lo ngại rằng nếu Mỹ có những tính toán sai và sử dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên để đạt được mục đích chiến lược của mình mà không tính đến lợi ích của Hàn Quốc, họ sẽ gây ra biến động lớn trong quan hệ đồng minh với Seoul, có thể hủy hoại hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên cạnh nỗ lực răn đe cứng rắn với Triều Tiên vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng, phê chuẩn các biện pháp hỗ trợ nhân đạo và gần đây nhất là đưa ra bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc ủng hộ giải pháp hòa bình cho căng thẳng trên bán đảo.
Tuy nhiên, với tình cảnh "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại" như hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên, hai nước chưa có bất cứ nỗ lực nào để thảo luận với nhau, dù là thông qua kênh cấp cao tại Liên Hợp Quốc hay những cuộc gặp cấp thấp hơn như cuộc hội đàm được chính phủ Thụy Sĩ dàn xếp hồi giữa tháng 9 tại Geneva.
Bởi vậy, Nilsson-Wright tin rằng đây là lúc các nhà lãnh đạo quốc tế cần phải phát huy vai trò của mình. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng đề xuất áp dụng mô hình "P5 + 3" gồm 5 quốc gia thường trực (Pháp, Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc) cùng ba nước khác tham gia đàm phán với Triều Tiên, giống như mô hình P5 + 2 đã tháo gỡ cuộc khủng hoảng Iran.
Nga cũng đang có những cuộc trao đổi với ông Choe Son-hui, trưởng bộ phận Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moo Jae-in thì lên kế hoạch cử đoàn đại biểu cấp cao tới Bắc Kinh để thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình nhân đại hội lần thứ 19 đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dù những sáng kiến này khó có thể là "chiếc đũa thần" cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay, chúng góp phần hãm phanh những động thái nguy hiểm có thể đẩy bán đảo tới bờ vực chiến tranh.
Lịch sử cũng cho thấy những nỗ lực ngoại giao như vậy đã từng góp phần cứu vãn bán đảo Triều Tiên khỏi thảm họa. Việc Thủ tướng Anh Clement Attlee thông báo kế hoạch tới thăm Washington vào tháng 12/1950 để hối thúc chính quyền Truman không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Triều Tiên đã giúp khu vực này tránh được kết cục hủy diệt bởi bom nguyên tử.
Nilsson-Wright cho rằng những động thái can thiệp tương tự từ các nguyên thủ quốc tế sẽ góp phần chấm dứt khẩu chiến Mỹ - Triều và giảm thiểu nguy cơ xung đột ở bán đảo Triều Tiên, dù triển vọng thành công của chúng trong tương lai vẫn còn hạn chế.
Theo Trí Dũng (VnExpress.net)