Những vụ phạm tội do sự thù ghét đối với các nhóm cộng đồng thiểu số ngày càng tăng dưới thời Trump, từ khi ông đắc cử cho đến khi năm nhiệm kỳ đầu tiên sắp kết thúc.
Một nhà thờ ở Victoria, bang Texas, bị đốt phá hồi đầu năm. Ảnh: AP. |
Theo Huffington Post, nghiên cứu trên do Giáo sư Brian Levin chủ trì được xem là một trong những thống kê đáng tin cậy về những trường hợp tội phạm do lòng thù hận, gióng lên hồi chuông báo động cho nhà chức trách Mỹ.
Những con số báo động
Trong bộ dữ liệu đầu tiên, Giáo sư Levin phân tích hơn 2.100 vụ phạm tội mà cảnh sát công bố ở 31 thành phố và các hạt lớn. Ông nhận thấy tỷ lệ tăng ở Chicago là 20% vụ trong năm 2016. Các con số tương ứng với New York là 24%, Los Angeles là 15%, Philadelphia là 50%. Nơi có tỷ lệ tăng cao nhất trong những ca gây án vì thù hận chính là Washington D.C., đến 62%.
Với bộ dữ liệu thứ 2, ông Levin phân tích gần 3.900 vụ án tại 13 bang, bao gồm 5 bang đông dân nhất nước Mỹ. Trong số này, Indiana là bang chứng kiến mức tăng đáng kể nhất với 123%.
Mức tăng - giảm của những vụ án do thù hận trong năm 2016 tại 10 bang ở Mỹ. Ảnh: HP. |
Những phân tích của ông Levin và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đều chỉ ra xu hướng chung là các vụ tấn công vì ác cảm tăng vọt trong giai đoạn bầu cử. “Năm 2016 đánh dấu mức tăng đáng kể trước và sau ngày bỏ phiếu. Đây là mức tăng đột ngột và chiều hướng rõ rệt nhất so với bất kỳ giai đoạn nào tôi từng chứng kiến trong sự nghiệp của mình”.
Chẳng hạn, Levin cho biết Los Angeles chứng kiến tỷ lệ tăng 29% trong quý cuối cùng của năm 2016. Hơn 15% vụ án ở Seattle năm ngoái là xảy ra vào tháng 11…
Ông Brett Parson, Trung uý tại Sở Cảnh sát Washington, nói với Zing.vn rằng thủ phạm trong những vụ án này thường là người có thành kiến khá mạnh mẽ trước những nhóm tôn giáo hoặc phe phái chính trị.
“Những đối tượng bị tấn công chủ yếu thuộc nhóm người Hồi giáo, người Do Thái... Thủ phạm có thể là người theo quan điểm bảo thủ, hoặc người theo quan điểm tự do. Họ hành động vì một niềm tin mãnh liệt vào đấng bề trên, hoặc tin vào lý tưởng chính trị mà mình theo đuổi", ông nói.
Trung uý Brett Parson tại Sở Cảnh sát Washington. Ảnh: NVCC. |
Parson cho biết những hình thức phạm tội phổ biến nhất là tấn công gây thương tích, sau đó là đập phá tài sản, và lời lẽ đe doạ.
“Đe doạ là hành vi ở cấp độ đơn giản nhất, nhưng chắc chắn đó là vi phạm pháp luật khi bạn có lời lẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác, như là doạ giết hoặc gây ra hoang mang lớn cho đám đông có thể dẫn đến nguy hại”, vị cảnh sát 20 năm kinh nghiệm nói với Zing.vnnhân chuyến công tác đến TP.HCM mới đây.
Ông Trump có vô can?
Một nguyên nhân mà Levin và các chuyên gia lo ngại chính là những phát biểu đanh thép của Tổng thống Trump có thể là nguyên nhân khiến số lượng các vụ án vì thù ghét gia tăng.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump năm 2016 được ghi nhận là giai đoạn gây chia rẽ nhất của nước Mỹ, khi những cộng đồng thiểu số luôn là mục tiêu của những tấn công, lên án và chỉ trích.
Sau khi chính thức nắm quyền, ông Trump tiếp tục có những động thái bị chỉ trích như ban hành lệnh cấm nhập cảnh với những nước Hồi giáo, cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội, không lên án các hành vi bạo lực của những người theo phe “da trắng thượng đẳng”…
Đối với năm 2017, dù các số liệu vẫn chưa hoàn chỉnh và đầy đủ, giáo sư Levin cho biết xu hướng vẫn gây nhiều lo ngại. Dữ liệu từ các cơ quan cảnh sát ghi nhận ở 13 thành phố lớn cho thấy 827 vụ án đã xảy ra trong năm nay xuất phát từ thù hận. Đây là mức tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2016.
Thành phố Portland, bang Oregon, đang là địa phương có mức tăng những vụ án vì thù hằn cao nhất trong năm 2017. Ảnh: HP. |
Ngày 17/9, Tổng thống Trump chia sẻ lại trên Twitter một video có cảnh ông đang đánh golf nhằm vào mục tiêu là bà Hillary Clinton. Đáng chú ý, tài khoản Twitter gốc được cho là thuộc một nhóm thường đăng các nội dung phân biệt chủng tôc, bài Do Thái, phản đối người đồng tính...
Sự kiện ở Charlottesville, bang Virginia, hồi tháng 8 là một ví dụ điển hình cho sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ. Sự đối đầu giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc tin vào thuyết “da trắng thượng đẳng” với dòng người tuần hành ủng hộ không phân biệt chủng tộc đã trở nên hỗn loạn.
Giữa hoàn cảnh này, một đối tượng quá khích đã điều khiển ôtô lao vào nhóm phản đối Trump khiến một người chết và 19 người bị thương.
Cuộc biểu tình chống chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chống phân biệt chủng tộc ở Charlottesville, Virginia, hồi tháng 8. Ảnh: NBC. |
Tuy nhiên, thay vì quy trách nhiệm cụ thể cho một bên, chẳng hạn phe cực hữu, Tổng thống Trump hứng chỉ trích vì phát biểu “hai bên đều có lỗi” và bình luận hời hợt về sự việc.
Trước thái độ này của ông Trump, Thị trưởng Charlottesville Michael Signer mạnh mẽ quy trách nhiệm cho tổng thống Mỹ: “Với những chuyện đang xảy ra trên đất nước này, tôi cho rằng đó chính là lỗi của tổng thống và các cố vấn của ông ta”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Cory Gardner thì khẳng định vụ đâm xe ở Charlottesville là hành vi khủng bố, nên chính quyền Trump cần lên án đúng bản chất này chứ không chỉ lấp liếm cho qua.
Theo Cảnh Toàn (Tri Thức Trực Tuyến)