Richardson, 40 tuổi, đang là nhiếp ảnh gia làm việc tại thành phố Raleigh, bang North Carolina. Anh từng làm việc ở TP.HCM 4 năm. Tại đây, anh gặp người bạn đời của mình. Cả hai đã kết hôn năm 2015 và cùng chuyển đến Mỹ sống vào năm 2016.
"Lệnh cấm này hiện chỉ nhắm cụ thể vào 7 nước nhưng nó khiến tôi vô cùng lo ngại. Bởi vì khi Trump có thể làm điều này rất dễ dàng, khi ông ấy gây xáo trộn cuộc sống của rất nhiều người khác nhanh chóng như vậy, thì không ai đoán được điều gì xảy ra sắp tới. Tình hình hiện tại rất khó khăn", Richardson nói với Zing.vn.
Người dân phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Trump. Ảnh: ABC. |
Không ra khỏi Mỹ
Theo anh Richardson, với quyền hạn của người nắm giữ cương vị tổng thống, ông Trump hoàn toàn có thể ban hành sắc lệnh như vậy. Các vụ kiện liên bang chỉ có thể ngăn cản phần nào sắc lệnh này. Tuy nhiên, việc ra một quyết định như vậy "cho thấy Trump như muốn chứng tỏ ông ấy có thể làm mọi điều với những đối tượng mà mình không thích".
Một quan chức của Trump nói danh sách cấm nhập cư có thể còn được mở rộng, nên Richardson lo ngại rằng "không ai biết được nước nào sẽ là kế tiếp, có thể là Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ". "Trump bảo rằng ông ta cấm nhập cư là để bảo vệ đất nước chống khủng bố xâm nhập. Nhưng khủng bố thực sự không đến từ 7 nước bị cấm, chúng đến từ các nước như Saudi Arabia", Riachardson nói.
Richardson cho biết thêm rằng một thông tin lan truyền trên mạng xã hội gần đây nói các hãng hàng không Mỹ vì phải điều chỉnh theo chính sách của Trump, nên tạo ra một "chiêu" khiến những người sở hữu thẻ xanh có thể tự từ bỏ quyền lợi này.
Toàn cảnh lệnh cấm nhập cảnh gây chấn động của Trump: Sắc lệnh cấm nhập cảnh mà Tổng thống Donald Trump áp đặt với người dân từ 7 nước Hồi giáo thay đổi cơ bản chính sách nhập cư và tiếp nhận người tị nạn của Mỹ trong nhiều thập kỷ. |
Với những người đã có thẻ xanh mà không thông thạo tiếng Anh, họ có thể sơ hở ký vào đơn này. "Nhiều loại đơn từ được ký trong các phòng cách ly ở sân bay mà họ không được tiếp cận gia đình hay người đại diện, nên chữ ký này nhiều khả năng không phải tự nguyện", luật sư Odio nói.
Còn theo Richardson, những diễn biến này càng cho thấy chính quyền đang cố tỏ ra khép kín và gây khó dễ cho những người không phải là người Mỹ. "Tôi cố bảo vệ bạn đời bằng cách chúng tôi tạm thời không di chuyển ra khỏi nước Mỹ, không bay quốc tế, chỉ bay nội địa. Nhưng ngay cả khi bay quốc nội thì tôi cũng không yên tâm, nên sẽ tận dụng tối đa phương tiện di chuyển đường bộ", anh cho biết.
Mẫu đơn tuyên bố từ bỏ thẻ xanh được cho là xuất hiện tại sân bay Los Angeles. Ảnh: Bloomberg. |
Richardson cho biết sự "tạm thời" này có thể kéo dài "3 năm" cho đến khi người vợ trở thành công dân Mỹ. "Quá trình này ngắn hơn khi bạn kết hôn với công dân Mỹ, còn theo đường nhập cư chính thức thì từ cư trú vĩnh viễn đến được nhập tịch sẽ kéo dài khoảng 5 năm", anh nói.
Trong khi đó, vì lo lắng trước các diễn biến này, bạn đời của Richardson đã hủy bỏ kế hoạch về thăm gia đình và bạn bè trong năm nay. "Tôi sẽ ở lại Mỹ đến khi nào trở thành công dân Mỹ mới về. Richardson không phải là lo lắng thái quá, vì không ai biết được Trump sẽ lại ban hành những sắc lệnh gì kế tiếp", người này nói.
Trump dùng 'hóa trị' để chống khủng bố
North Carolina là một bang bảo thủ. "Có lẽ cử tri tại đây hơi kỳ lạ. Họ đã bầu cho một ứng viên đảng Cộng hòa làm tổng thống nước Mỹ nhưng lại bầu ứng viên đảng Dân chủ là thống đốc bang. Tôi buộc phải thừa nhận rằng phần lớn người dân ở bang của tôi sẽ ủng hộ lệnh cấm nhập cư của Trump", anh Richardson nói.
Một khảo sát của Reuters công bố ngày 1/2 cho thấy đến 49% người Mỹ ủng hộ "phần nào" và "mạnh mẽ" với lệnh cấm nhập cư. Trong khi đó, những cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ với quy mô hàng nghìn người taị mỗi địa điểm.
Nhà Trắng nói sắc lệnh chống nhập cư của Trump là đòn mạnh tay nhằm ngăn ngừa khủng bố. Ảnh: AP. |
Trong giai đoạn hỗn loạn này, bác sĩ Huynh Tran (thành phố Los Angeles) nói với Zing.vn rằng cần bình tĩnh theo dõi việc chính quyền thực thi sắc lệnh của Trump, đồng thời khẳng định điều này hoàn toàn tách bạch và không liên quan đến quan điểm chính trị cá nhân (vị bác sĩ đã bỏ phiếu cho ông Trump).
Anh Huynh Tran sống ở Mỹ suốt 18 năm qua. Ngày 11/9/2001, khi anh đang học tại Đại học Michigan, vụ khủng bố chấn động nước Mỹ xảy ra.
"Các lớp học lập tức ngưng, xe cảnh sát trường học hụ còi inh ỏi, mọi người chạy ra ngoài hỗn loạn. Tôi thì không biết làm gì. Cô bạn cùng lớp từ New York ngất xỉu khi thấy toà tháp bị đâm. Buổi tối, gần như cả trường tập trung nghe Tổng thống Bush phát biểu. Lúc đó, tôi chưa là công dân Mỹ nhưng đã cảm nhận được khủng bố đang ở cạnh mình và ảnh hưởng đến mình", anh chia sẻ trên trang cá nhân.
Theo Huynh Tran, chỉ những người thực sự sống lâu năm ở Mỹ mới cảm nhận được khủng bố kinh khủng thế nào. Và công cuộc chống khủng bố ở Mỹ đang diễn ra từng ngày từng giờ chứ không phải chỉ dựa vào thông tin, bài học từ những vụ khủng bố đã xảy ra. Vụ cô gái Kathryn Steinle bị dân nhập cư lậu tại San Francisco bắn chết năm 2015 cũng phản ánh hệ quả từ những kẽ hở của luật di trú.
"Dưới góc nhìn y khoa thì Tổng thống Trump đang dùng hoá trị (chemotherapy) để trị căn bệnh khủng bố. Nghĩa là tế bào ung thư khủng bố lẫn tế bào bình thường đều bi tiêu diệt. Tổng thống Obama thì lại dùng trị liệu cục bộ (topical treatment) để chữa và lựa chỗ nào nghi bệnh mới dùng thuốc", anh nói.
Từ quan điểm của một người nhập cư, Huynh Tran không khẳng định cách làm nào là tốt hơn, "nhưng với những bệnh nặng như khủng bố thì có lẽ cả hai cách điều nên thử".
Theo Minh Anh (Zing.vn)