Ông Kim Jong Un nổi tiếng là một người hâm mộ cuồng nhiệt thể thao, đặc biệt là môn bóng rổ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên từng nhiều lần tiếp đón trọng thị huyền thoại của làng bóng rổ nhà nghề Mỹ Dennis Rodman, và coi ngôi sao này là "người bạn trọn đời" của mình.
Tuy nhiên, chẳng mấy chính trị gia tại cả Seoul lẫn Washington tin rằng việc Bình Nhưỡng chấp thuận gửi vận động viên và phái đoàn quan chức cấp cao tới dự Olympics mùa đông tổ chức tại Hàn Quốc là biểu hiện cho tinh thần và niềm đam mê thể thao của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Triều Tiên thực sự muốn gì?
Các chuyên gia tin rằng mùa đông buốt giá bất thường cùng lệnh cấm vận khốc liệt nhất trong lịch sử mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Bình Nhưỡng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nay, Triều Tiên buộc phải tìm cách giảm nhẹ thiệt hại mà các lệnh trừng phạt quốc tế gây ra.
"Lệnh cấm vận nhắm vào nguồn cung năng lượng, đồng thời đóng cánh cửa tiếp cận thị trường quốc tế đối với khoáng sản và thủy hải sản Triều Tiên, đã giáng một đòn mạnh vào nỗ lực duy trì và phát triển nền kinh tế vốn đã nghèo nàn của quốc gia Đông Bắc Á này", Chad O'Carroll, giám đốc điều hành tập đoàn tư vấn Korea Risk, nói với CNN.
Trong bối cảnh ấy, Triều Tiên đã chìa bàn tay hữu hảo ra với Hàn Quốc. Các chuyên gia nhận định bước đi này là một mũi tên trúng nhiều đích.
Thứ nhất, Triều Tiên chia rẽ nỗ lực quốc tế chống lại chương trình hạt nhân của nước này, từ đó giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt khốc liệt hiện bóp nghẹt nguồn cung ngoại tệ và năng lượng của Bình Nhưỡng.
Thứ hai, Bình Nhưỡng muốn ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc, dưới sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế, siết chặt các biện pháp chống Triều Tiên. Mục tiêu của Bình Nhưỡng là đưa Trung Quốc về trạng thái mà từ lâu nước này luôn duy trì: một mắt nhắm mắt mở với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Thứ ba, mục tiêu quan trọng nhất, Triều Tiên sẽ có thêm thời gian cho việc nghiên cứu và thử nghiệm tên lửa đạn đạo và các thiết bị hạt nhân mà từ lâu nước này theo đuổi. Các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng đã ở rất gần mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công lục địa nước Mỹ, cái nước này cần giờ đây chỉ là thời gian và các cuộc thử nghiệm.
"Đây là một bước đi thông minh và càng cho thấy cộng đồng quốc tế đã đánh giá thấp Triều Tiên như thế nào", Nicholas Eberstadt, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên từ Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với New York Times.
Toàn cảnh cuộc gặp 'phá băng' quan hệ liên Triều Cuộc đối thoại cấp cao ngày 9/1 giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã đem lại những kết quả tích cực đầu tiên cho quan hệ liên Triều sau thời gian dài căng thẳng. |
Chia rẽ liên minh Mỹ - Hàn
Tuần qua, những cuộc tranh luận tại Seoul và Washington chủ yếu tập trung vào một câu hỏi: "Động thái mới đây của Kim Jong Un là bước đi chiến thuật hay sự thay đổi của cả chiến lược?"
"Đề nghị của ông Kim Jong Un đưa tới bước đi đầu tiên, chuyển tình thế đối đầu sang giảm căng thẳng và tiến tới hòa bình", Giáo sư Koh Yu Hwan, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên từ Đại học Dongguk, Seoul, nói với New York Time.
Tuy nhiên, ông Koh thừa nhận nhiều khả năng đây chỉ là ngón đòn lừa nhắm vào liên minh vốn đã có dấu hiệu chia rẽ giữa Seoul và Washington.
Trong suốt năm vừa qua, công luận đã chứng kiến sự sốt sắng của Seoul, kể cả trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng giữa các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân, nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ liên Triều.
Chính sách hòa dịu mà Tổng thống Moon Jae In theo đuổi khiến Washington không hài lòng. Tổng thống Trump thậm chí còn nói ông Moon đang "nhân nhượng vô nguyên tắc" Triều Tiên.
Bất chấp thực tế Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc, những chính khách cấp tiến tại Seoul luôn coi việc tháo ngòi nổ cho quan hệ liên Triều là ưu tiên số một của miền Nam. Việc theo đuổi ưu tiên này đôi khi gạt Mỹ ra khỏi cuộc chơi, dù Seoul luôn khẳng định Washington có vai trò tối quan trọng
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng thuyết khách của ông, trưởng phái đoàn Triều Tiên tại đối thoại liên Triều, liên tục kêu gọi Hàn Quốc xem xét lại quan hệ với Mỹ. Miền Bắc cáo buộc mối liên minh Mỹ - Hàn chỉ có hại cho quan hệ liên Triều, đồng thời xoa dịu miền Nam khi nói "vũ khí của Triều Tiên chỉ nhắm vào Mỹ, không nhắm vào những người anh em (Hàn Quốc)".
Lời đường mật của Triều Tiên ít có khả năng tác động tới giới chính trị gia, nhưng đối với công chúng Hàn Quốc, thật khó để có câu trả lời chính xác về tác động của lối tuyên truyền này.
Chủ nghĩa dân tộc là một yếu tố không thể xem nhẹ tại Hàn Quốc. Trong những năm tháng cao trào của Chiến tranh Lạnh, những cuộc biểu tình chống sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc thậm chí còn nhiều hơn các hoạt động chống Triều Tiên.
Bất chấp thực tế hai miền Nam - Bắc đối đầu nhau trong hơn nửa thế kỷ, người Hàn Quốc vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho những người anh em miền Bắc, mà chỉ dấu rõ nhất là trong các sự kiện thể thao.
Nhiều người Hàn Quốc đến nay vẫn nhớ tới hình ảnh đoàn thể thao hai miền, mặc chung một màu áo, đi chung dưới lá cờ bán đảo Triều Tiên thống nhất trong lễ khai mạc Olympics Sydney năm 2000, biểu tượng của hòa bình, hòa giải và đoàn kết dân tộc mà có lẽ rất lâu nữa người dân hai miền mới có thể tận hưởng.
Triều Tiên - Hàn Quốc sát cánh bên nhau tại Olympics Athens Trong lễ khai mạc Olympics Athens năm 2004 tại Hy Lạp, vận động viên hai đoàn thể thao Triều Tiên và Hàn Quốc đã đi chung dưới lá cờ bán đảo Triều Tiên thống nhất. |
Olympics mùa đông ở Hàn Quốc
Từ khi thay thế bà Park Geun Hye, đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã cho thấy ông là chính trị gia theo đuổi đường lối mềm dẻo trong quan hệ liên Triều. Nhiều người đã liên tưởng tới sự hồi sinh của chính sách "Ánh Dương" mà cựu tổng thống Kim Dae Jung kiến tạo và cựu tổng thống Roh Moo Hyun, người bạn thân của ông Moon, đã tiếp nối.
"Tôi muốn thấy niềm vinh quang và không khí của Olympics Athens và Sydney một lần nữa", ông Moon nói hồi tháng 6/2017, gợi nhớ tới hai kỳ Olympics khi đoàn thể thao Hàn Quốc và Triều Tiên cùng thi đấu dưới lá cờ bán đảo Triều Tiên thống nhất.
Suốt những tháng nước sôi lửa bỏng tại Đông Bắc Á, Tổng thống Moon, dẫu chấp nhận triển khai toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, vẫn kiên quyết theo đuổi đường lối tương đối ôn hòa với Triều Tiên, nói không với việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc và không để chiến tranh liên Triều nổ ra một lần nữa.
Khi lễ khai mạc Olympics mùa đông tổ chức tại Pyeongchang, nơi chỉ cách biên giới liên Triều 80 km, tới ngày một gần, Seoul lo ngại Triều Tiên có thể sẽ tìm cách phá hoại sự kiện thể thao quốc tế mà Hàn Quốc làm chủ nhà. Một vụ thử hạt nhân hay một vụ phóng tên lửa sẽ lập tức hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế về phía bắc vĩ tuyến 38, làm lu mờ sự kiện được kỳ vọng tô đậm sự trỗi dậy của Hàn Quốc như một nền kinh tế năng động nhất thế giới.
"Bình Nhưỡng nhìn thấu những lo lắng của Seoul. Nhiều khả năng Triều Tiên đã lên kế sách hạ nhiệt căng thẳng từ nhiều tháng nay, thậm chí trước khi Tổng thống Moon đề nghị hoãn các các cuộc tập trận với Mỹ vì Olympics", John Nilsson-Wright, chuyên gia từ Viện Tư vấn chính sách Chatham, nói với CNBC.
Ông Wright cho rằng các chính trị gia tại Seoul không hề ngây thơ và họ hoàn toàn nắm bắt được những toan tính của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Olympics Pyeongchan cùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc xảy đến trong nhiệm kỳ của một vị tổng thống mang nặng thương cảm cho những gia đình ly tán bởi chiến tranh Triều Tiên, điều đó khiến Hàn Quốc chấp nhận xuống nước tương đối dễ dàng bất chấp chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên.
"Nếu đó là Park Geun Hye hay Lee Myung Bak (các cựu tổng thống tiền nhiệm theo đuổi chính sách cứng rắn với Triều Tiền), Bình Nhưỡng sẽ khó có thể đạt được một sự nhượng bộ từ Seoul mà không có động thái thực sự về chương trình vũ khí hạt nhân", ông Wright nói.
Thế khó của Washington
"Vũ khí tối tân của chúng tôi, bao gồm bom H và tên lửa đạn đạo, không nhắm vào người anh em Hàn Quốc, Nga hay Trung Quốc, chúng nhắm vào Mỹ", Ri Sok Gwon, trưởng đoàn Triều Tiên tham gia cuộc đối thoại liên Triều hôm 9/1, nói.
Triều Tiên không hề che dấu ý định duy trì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trong bài phát biểu đầu năm 2018, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un mô tả vũ khí hạt nhân là tấm khiên duy nhất giúp ngăn chặn Mỹ phát động chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Washington hầu như không có niềm tin vào những tín hiệu mới đây trên bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia nhận định nếu Triều Tiên và Hàn Quốc tái lập quan hệ ngoại giao mà không có những bước đi rõ ràng tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ rơi vào tình thế vô cùng phức tạp.
Washington sẽ không còn cơ sở để gây sức ép lên chương trình hạt nhân của Triều Tiên, một mối đe dọa ngày càng hiện hữu với an ninh của Mỹ. Ngoài ra, sự nồng ấm trong quan hệ liên Triều có thể khiến nỗ lực gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên bị ảnh hưởng đáng kể.
"Đây là cơ hội cho Trung Quốc loại bỏ sức ép ngày một gia tăng của Mỹ thúc giục nước này mạnh tay với Triều Tiên", ông Eberstadt nhận định.
Trước sự thúc ép từ Seoul muốn hoãn các cuộc tập trận "Đại bàng non" và "Giải pháp then chốt" để mở đường cho sự phá băng quan hệ liên Triều, Washington buộc phải nhượng bộ.
Các quan chức Mỹ thừa nhận họ không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận quyết định của Tổng thống Moon Jae In, hoãn tập trận quân sự, và chứng kiến cuộc đối thoại liên Triều diễn ra hôm 9/1.
Trong tiết lộ mới đây, quan chức quân sự Mỹ - Hàn xác nhận các cuộc tập trận chung sẽ trở lại ngày 18/4, hơn 1 tháng sau ngày bế mạc Olympics Pyeongchang. Rút cục, những toan tính phía sau sự nồng ấm bất ngờ trong quan hệ liên Triều chỉ có thể hé lộ sau khi đại hội thể thao qua đi và chương trình hạt nhân nhức nhối của Triều Tiên một lần nữa trở thành tâm điểm tại Đông Bắc Á.
Trong kịch bản xấu nhất, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ có đủ thời gian để hoàn thiện chương trình hạt nhân của nước này. Khi đó, Mỹ sẽ phải chấp nhận thực tế rằng Bình Nhưỡng sở hữu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thể uy hiếp cả thủ đô Washington, và cục diện toàn bộ khu vực sẽ thay đổi.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)