Được mệnh danh là "đội quân nhan sắc", những cô gái trẻ trung, hầu hết trong độ tuổi 20 của Triều Tiên thu hút sự chú ý của dư luận bất cứ khi nào họ được cử tới Hàn Quốc cổ động cho các vận động viên nước nhà.
Hồi năm 2005, người sau này là phu nhân của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bà Ri Sol Ju, cũng có tên trong danh sách nhóm cổ động viên tham dự Đại hội Thể thao châu Á tại Incheon.
Đội nữ cổ động viên này sẽ đánh dấu sự có mặt lần thứ tư tại Hàn Quốc sau khi Bình Nhưỡng nhất trí cử một phái đoàn tới tham dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang diễn ra vào tháng sau.
Bất kỳ phái đoàn nào của Triều Tiên tới quốc gia láng giềng Hàn Quốc đều được Bình Nhưỡng tuyển chọn kỹ càng, và các hoạt động của họ bị kiểm soát nghiêm ngặt tại Hàn Quốc.
Theo các báo cáo, nhóm tham gia Thế vận hội Mùa đông có thể được bố trí trên một tàu hành trình đậu tại Sokcho.
"Đội quân nhan sắc"
An Chan Il, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Thế giới về Triều Tiên, cho biết những nữ cổ động viên này được chính quyền Triều Tiên tuyển lựa kỹ càng dựa trên những tiêu chuẩn khắt khe.
"Họ phải cao trên 1m63, và xuất thân từ những gia đình cơ bản", An chia sẻ với hãng tin báo giới, "Những người chơi nhạc cụ phải là thành viên ban nhạc, những người còn lại hầu hết đều là sinh viên của Đại học Kim Il Sung".
Đội nữ cổ động viên Triều Tiên xuất hiện lần đầu tiên tại Thế vận hội châu Á năm 2002 tại Busan. Đội cổ vũ gồm gần 300 người đã thu hút sự chú ý khi họ mặc những bộ hanbok mang sắc màu Triều Tiên truyền thống và vẫy cờ thống nhất màu xanh nhạt của bán đảo Triều Tiên.
Hàng trăm người dân Busan đã đổ xô tới cảng này để chào mừng họ, và một số gia đình còn treo cờ thống nhất.
Với vũ điệu mạnh mẽ nhưng uyển chuyển và đôi khi sử dụng các đạo cụ như quạt, đội nữ cổ động nhận được nhiều lời khen ngợi khi họ hát hò và nhảy múa trên khán đài.
Năm 2005, cựu nữ cổ động Triều Tiên Cho Myung Ae – người có vẻ đẹp ưa nhìn và thu hút sự chú ý ở Hàn Quốc – đã xuất hiện trong một chương trình quảng cáo trên truyền hình cho điện thoại di động Samsung cùng ngôi sao nhạc pop Lee Hyo-ri.
Thành viên đội cổ động Triều Tiên là yếu tố "hút vé". Sự hiện diện của họ là tin tốt cho các nhà tổ chức Thế vận hội Pyeongchang.
"Chuyện này sẽ tác động đến việc bán vé", phát ngôn viên Ủy ban Tổ chức PyeongchangSung Baik-you cho biết, "Nó sẽ đáp ứng mong muốn tổ chức một kỳ Olympic hòa bình của chúng tôi".
Bài toán đau đầu về ngoại giao
Tuy nhiên, sự có mặt của người Triều Tiên tại Thế vận hội cũng có thể trở thành bài toán đau đầu về ngoại giao.
Hiện có những lo ngại rằng, người Hàn Quốc có thể không đón chào Triều Tiên như trước đây, bởi họ phản đối chương trình hạt nhân cũng như những hành vi được cho là ngày càng hiếu chiến của Bình Nhưỡng.
Và việc giương lá cờ Triều Tiên cũng như hát quốc ca của họ là bất hợp pháp tại Hàn Quốc bởi Seoul coi đây là biểu hiện của sự nổi loạn theo luật an ninh quốc gia Hàn Quốc. Do vậy, trước đây họ phải sử dụng cờ thống nhất tại các trận đấu giữa hai miền Triều Tiên.
Còn nhớ tại Thế vận hội châu Á ở Incheon năm 2014, khi một lá cờ Triều Tiên được căng lên trong trận bóng đá Hàn – Triều, nó đã lập tức bị các quan chức kéo xuống.
Nguyên tắc này sẽ không phải áp dụng trong các địa điểm Olympics – nơi tuân thủ các quy định của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) – nhưng có thể trở thành vấn đề ở những địa điểm khác.
Hai đội Hàn Quốc và Triều Tiên đã diễu hành cùng lá cờ thống nhất khi họ bước vào sân vận động tham dự lẽ khai mạc Olympic năm 2000, 2004 lần lượt tại Sydney và Athens, cũng như tại Thế vận hội Mùa đông năm 2006 tại Torino.
Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục thực hiện bước đi tương tự tại lễ khai mạc vào ngày 9/2 tới, điều đó có nghĩa rằng biểu trưng của Hàn Quốc sẽ không xuất hiện trên sân vận động tại Olympics do họ chủ trì.
Hàn Quốc có thể chấp nhập thực tế đó như thế nào? Tờ the Chosun Ilbo đã đặt câu hỏi trong một bài xã luận đăng tải hôm 8/1.
Theo Thùy Lâm (Soha/Thời Đại)