Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi bắn rơi máy bay Nga

25/11/2015 18:04:41

Chính sách đối ngoại quyết đoán khiến Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ phi cơ Nga với cáo buộc vi phạm không phận. Sự cố có thể tác động tiêu cực quan hệ song phương, nhưng khó gây chiến tranh.

Chính sách đối ngoại quyết đoán khiến Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ phi cơ Nga với cáo buộc vi phạm không phận. Sự cố có thể tác động tiêu cực quan hệ song phương, nhưng khó gây chiến tranh.

Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắn rơi máy bay Nga xâm phạm không phận nước này. Theo Ankara, chiến đấu cơ Nga làm nhiệm vụ dội bom các khu vực nằm gần biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần xâm phạm không phận trước đó. Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang những tuần gần đây, kể từ thời điểm Nga phát động chiến dịch không kích ở Syria.
 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty


Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận chiến đấu cơ bị bắn hạ nhưng khẳng định máy bay ở cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4 km. Ông Putin mô tả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là đâm sau lưng và cáo buộc Ankara bơm tiền cho lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Lực lượng đối lập của Syria đã công bố một video cho thấy hình ảnh thi thể phi công Nga sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi. Đây là khu vực do người Syria gốc Thổ kiểm soát. Lực lượng này muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad do Nga ủng hộ.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cũng là đồng minh quân sự thân cận với Mỹ và EU. NATO đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp sau khi nhận tin báo Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. Nguy cơ leo thang xung đột giữa Nga và NATO là rất thấp nhưng vụ việc này vẫn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng.

Phương Tây dựa vào đâu cáo buộc Nga xâm phạm không phận?

Nga đang thực hiện chiến dịch không kích lực lượng chống đối chính phủ Syria ở dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc máy bay Nga tiến vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ có thể là tai nạn. Tuy nhiên, những cáo buộc xâm phạm không phận liên tiếp do Ankara đưa ra cũng có thể phản ánh sự cố ý của phía Nga, Vox đưa tin.
 

Một cường kích Su-24 của Nga, loại đang tham gia cuộc chiến chống IS. Ảnh: Getty


Phản lực chiến đấu Nga lần đầu xâm phạm Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 10, vài ngày sau khi Moscow phát động chiến dịch ném bom các mục tiêu ở Syria. Cả Mỹ và NATO đều cảnh báo sự xâm phạm này là cực kỳ nguy hiểm. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và trên lý thuyết, các quốc gia khác của khối có trách nhiệm bảo vệ Ankara trong trường hợp bị tấn công.

Phương Tây tin rằng Moscow có thể xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ vì họ nhiều lần đưa máy bay quân sự áp sát không phận NATO. Nga triển khai chiến thuật này không lâu sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow vì bất ổn chính trị ở miền Đông Ukraine.

Khi hỏi các chuyên gia về lý do Moscow đưa chiến đấu cơ áp sát không phận NATO ở châu Âu, họ thường trả lời rằng sức mạnh quân sự của Nga yếu hơn Mỹ​, NATO và Moscow biết rõ điều đó. Sự mất cân bằng khiến các quan chức quốc phòng Nga phải hành động để chứng minh điều ngược lại. Chiến thuật của Nga không nhằm gây ra chiến tranh nhưng Moscow sẵn sàng chấp nhận rủi ro để phương Tây lùi bước nếu muốn yên thân.

Tuy nhiên, cách hành động của từng quốc gia thành viên NATO khác nhau mà ví dụ rõ ràng nhất là Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ bắn rơi máy bay Nga.

Lý do Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa

Khi máy bay Nga áp sát không phận NATO ở Baltic trong những năm gần đây, NATO điều tiêm kích đánh chặn tới áp sát. Trong một vài vụ việc, máy bay của hai bên gần như va chạm giữa không trung. Tuy nhiên, hai bên chưa bao giờ có ý định bắn vào nhau.

Theo Vox, các quan chức ​Nga có xu hướng coi NATO là một khối thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, cũng sẽ không dám bắn vào họ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có cách phản ứng khác. Chính sách đối ngoại của họ thường quyết đoán và liều lĩnh bất thường. Điều này đặc biệt đúng ở Syria, nơi Ankara đang hỗ trợ lực lượng phiến quân lật đổ chính quyền Bashar al-Assad.
 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Getty


Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm mọi cách tiêu diệt các nhóm chiến binh người Kurd trong nước cũng như dội bom lực lượng này ở Iraq. Quốc gia này cũng không kích IS nhưng rất ít. Đằng sau đó, Ankara hỗ trợ phiến quân Hồi giáo trong cuộc chiến chống lại các chính quyền Iraq và Syria.

Có thể Nga tin rằng NATO sẽ kiểm soát được hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, có những bất đồng tương đối lớn giữa Ankara và các đồng minh NATO về các chiến dịch quân sự ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực hơn nhiều so với các đồng minh mong muốn.

Bên cạnh đó, trong tuần qua, Nga ném bom lực lượng phiến quân Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là các nhóm thiểu số người Syria gốc Thổ. Hành động này khiến Ankara rất tức giận, dẫn đến việc triệu tập Đại sứ Nga để yêu cầu ngừng ném bom.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu lên án “các cuộc tấn công man rợ” nhằm vào “những người anh em gốc Thổ”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo chiến dịch ném bom “có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”.
Các vụ ném bom làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vấn đề Syria. Moscow luôn tìm cách để duy trì quyền lực của chế độ Assad trong khi Ankara muốn lật đổ chính quyền này trong vài năm trở lại đây. Dù không trực tiếp đối đầu nhưng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang gián tiếp ở hai bên chiến tuyến.

Nga và Nato sẽ không đi quá giới hạn

Chúng ta không cần quá lo lắng về khả năng Thế chiến III bùng nổ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. Có nhiều lý do để tin rằng Nga và NATO sẽ tìm cách để ngừng leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, hai bên vẫn cho đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng.

Trong tuyên bố chính thức đầu tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “đâm sau lưng Nga” đồng thời công khai cáo buộc Ankara bơm tiền và hỗ trợ IS. Trong khi đó, NATO đã kêu gọi cuộc họp bất thường lúc 23h ngày 24/11 theo giờ Việt Nam để bàn thảo về vụ việc.

Trước khi Nga phát động chiến dịch dội bom IS ở Syria, quan hệ Ankara – Moscow được đánh giá khá tốt. Mọi chuyện xấu đi kể từ cuối tháng 9 và tiếp tục tụt dốc sau khi máy bay Nga bị bắn rơi. Nó gây tác động nghiêm trọng tới cả hai quốc gia, đặc biệt về kinh tế.

Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu gần như toàn bộ năng lượng từ Nga, với 60% lượng khí đốt tự nhiên do Moscow cung cấp. Ngoài ra, hai bên còn ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỷ USD. Nga sẽ không kết thúc các hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng các hoạt động trả đũa sẽ gây nên những tác động tiêu cực trên nhiều lĩnh vực mà nặng nề nhất là kinh tế.

Điểm tương đồng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với sách lược của ​hai quốc gia. Cả hai nhà lãnh đạo đều là người theo chủ nghĩa dân tộc và tìm cách loại bỏ ảnh hưởng từ các nước bên ngoài. Khi lâm vào thế đối đầu, họ có thể đẩy tình hình tới nguy hiểm. Tuy nhiên, họ đủ tỉnh táo để căng thẳng không vượt tầm kiểm soát.

Mark Galeotti, một chuyên gia về Nga đang giảng dạy tại Đại học New York giải thích lý do căng thẳng sẽ được hạ nhiệt.

“Tôi nghi ngờ khả năng Nga và các cường quốc NATO khác muốn để điều này đi quá xa. Nga không thể chống lại cuộc chiến ngoại giao trên quá nhiều mặt trận còn châu Âu thì cần Moscow trong vài trò giải pháp cho vấn đề bất ổn ở Syria và có thể là Ukraine. Trong khi đó, có nhiều lo ngại về vai trò và chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực”.
 
>> Máy bay Nga bị bắn ở Syria sau khi vào Thổ Nhĩ Kỳ?
 
Theo Hồng Duy (Zing.vn)