Những gì diễn ra trong 3 ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Mỹ khiến báo chí quốc tế đánh giá: Việt Nam đã tiến một bước về quan hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên ở ASEAN và thứ ba ở Đông Á gặp gỡ Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Chuyến thăm phản ánh mối quan hệ toàn diện ngày càng sâu đậm giữa Việt Nam và Mỹ kể từ khi chính thức được thiết lập cách đây 22 năm.
Trong bài viết đăng trên Washington Times, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ làm việc tốt với chính quyền Tổng thống Donald Trump không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước mà còn vì lợi ích khu vực.
"Tôi cùng các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Việt Nam vui mừng được gặp lại những người bạn cũ và làm quen với những người bạn mới, cùng chung một tâm huyết là ủng hộ nhiệt thành quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Mỹ, để cùng viết thêm một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta", Thủ tướng chia sẻ.
Trước chuyến đi, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp xúc sớm với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Và những gì diễn ra trong 3 ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Mỹ khiến báo chí quốc tế đánh giá: Việt Nam tiến một bước về quan hệ với chính quyền Mỹ.
Chiều 29/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Robert H. McCooey Jr, phó chủ tịch Tập đoàn Nasdaq, đơn vị sở hữu sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuyến thăm lần này.
Trò chuyện với ông McCooey Jr, Thủ tướng cho biết Việt Nam mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ triển khai các dự án tại Việt Nam và ngược lại ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ. Ông McCooey Jr đánh giá cao “tầm nhìn và sự lãnh đạo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.
Phó chủ tịch Nasdaq thông báo tập đoàn vừa ký kết bản ghi nhớ với VNG, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet, công nghệ thông tin và nội dung số tại Việt Nam, về việc dự kiến niêm yết cổ phiếu (IPO) của VNG tại Nasdaq. Ông McCooey Jr rất ấn tượng với thành tích kinh doanh của VNG, tin tưởng startup công nghệ này "có thể trở thành biểu tượng của nền kinh tế Việt Nam".
Sự kiện VNG lên sàn Nasdaq được xem là nỗ lực đón nhận làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Chính phủ bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ từ đầu năm 2017. Đánh giá cao việc hợp tác giữa Nasdaq với VNG, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Bất cứ doanh nghiệp nào làm tốt, đúng pháp luật thì chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh”.
Trong chiều 29/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với một số doanh nhân, trí thức người Việt. Thủ tướng tái khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn dù ở xa hay gần, trong các hoàn cảnh khác nhau thì mỗi người đều quan tâm đến sự phát triển của đất nước, đều tự hào là người Việt Nam, mong muốn “người Việt mình yêu thương đoàn kết”.
Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các trí thức và kêu gọi họ hãy gửi thư và góp ý trực tiếp tới chính phủ và thủ tướng. Thủ tướng nhận định nhiều ý kiến đóng góp chiều 29/5 là rất chất lượng, giúp định hướng cho các cơ quan nhà nước Việt Nam.
“Tôi đánh giá rất cao mong muốn của thủ tướng về việc thu nhận trí thức nước ngoài, đánh giá cao quan điểm mở của thủ tướng”, phó giáo sư Trần Ngọc Anh, hiện công tác tại Đại học Indiana, chia sẻ.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/5 (rạng sáng 1/6 giờ Hà Nội) đã tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo sau đó có buổi hội đàm. |
Ngày thứ 2 trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp xúc với khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ như như Harbinger, Warburg Pincus, Merck Sharp & Dohme... Đây là những người được coi là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Donald Trump.
Cuộc tọa đàm về hợp tác đầu tư sáng 30/5 ở New York có sự góp mặt của những tên tuổi đình đám như Kurt Campbell, một trong những kiến trúc sư trưởng của chiến lược "tái cân bằng" dưới thời Obama, nay là chủ tịch Asia Group, hay David Petraeus, một trong những vị tướng huyền thoại của quân đội Mỹ, cựu giám đốc CIA và nay là chủ tịch quỹ đầu tư KKR Global.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang không ngừng đổi mới thể chế, hướng tới minh bạch, pháp quyền và thị trường, thúc đẩy môi trường tốt hơn nữa cho các nhà đầu tư. "Các nhà đầu tư Mỹ rất thông minh và hiểu được giá trị của việc đầu tư vào Việt Nam", Thủ tướng nói.
Trả lời câu hỏi của các nhà tài phiệt, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thu hút, thể hiện vào làn sóng đầu tư vào Việt Nam đang tăng cao và mạnh. “Chúng tôi không muốn Mỹ chậm chân hơn khác các đối tác khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có tiếp lãnh đạo các tập đoàn Exxon Mobil, Coca-Cola và Nike. Tháng 1 năm nay, Exxon Mobil ký thỏa thuận khung về phát triển dự án và thỏa thuận khung về hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh với tổng trị giá khoảng 10 tỷ USD.
Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 20/9/1977. Trải qua 40 năm, Việt Nam nay đã trở thành thành viên tích cực trong nhiều vấn đề như gìn giữ hòa bình cho tới các hoạt động chính trị, văn hóa của LHQ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm hôm 30/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại thời khắc thiêng liêng khi quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên được kéo lên tại trụ sở LHQ. Thủ tướng nhấn mạnh người dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự hỗ trợ của LHQ và cộng đồng quốc tế trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với LHQ và cho rằng trong tình hình thế giới hiện nay, LHQ cần phát huy vai trò trung tâm trong gìn giữ hòa bình, an ninh, giải quyết xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn các nước ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các sứ mệnh cao cả của LHQ.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Thủ tướng khẳng định, là thành viên có trách nhiệm của LHQ, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung của tổ chức quốc tế này.
Trưa 31/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur L. Ross. Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao những tăng trưởng vượt bậc, tích cực trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ trong 20 năm qua.
Thủ tướng cho rằng quan hệ kinh tế, thương mại hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển do hai nước có nền kinh tế bổ sung cho nhau. Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hoá công nghệ cao, dịch vụ từ Mỹ và các nguyên vật liệu đầu vào cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ…
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định mục tiêu chung cần tăng trưởng tối đa thương mại hai nước trên cơ sở cân bằng và cùng có lợi; nhất trí hai bên cần khởi động lại cơ chế trao đổi về vấn đề quy chế thị trường cho Việt Nam.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur L. Ross đã chứng kiến lễ trao các bản ký kết một loạt thỏa thuận về thương mại và đầu tư trị giá lên tới hơn 8 tỷ USD.
Chiều ngày 31/5 (giờ địa phương, sáng ngày 1/6 giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Nhà Trắng để gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Trump hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tới thăm chính thức Mỹ. Ông khẳng định coi trọng quan hệ Việt - Mỹ, vai trò của Việt Nam và vai trò của ASEAN tại khu vực; mong muốn quan hệ hai nước thời gian tới tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong lịch sử có những bước thăng trầm nhưng nay là đối tác toàn diện của nhau”.
Sau hội đàm ở Phòng Bầu dục là cuộc họp mở rộng giữa nội các của hai bên, với sự tham gia từ phía Mỹ gồm Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Thương mại Wilbur L. Ross…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump khẳng định coi hợp tác phát triển tiếp tục là trọng tâm trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Hai bên nêu bật tầm quan trọng của việc tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt thông qua việc triển khai có hiệu quả Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump cũng trao đổi về khả năng tàu sân bay Mỹ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam mời Tổng thống Donald Trump và phu nhân cùng gia đình thăm chính thức Việt Nam, dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Tổng thống Donald Trump đã vui vẻ nhận lời.
AP dẫn lời Tổng thống Donald Trump đánh giá rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "thể hiện rất tuyệt vời" và hai bên có "nhiều điều để cùng nhau thảo luận".
Theo Bangkok Post, các nước láng giềng ASEAN, cụ thể là các Bộ trưởng Ngoại giao, nên nhìn vào cách Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng. Lợi thế này sẽ giúp Việt Nam có được tiếng nói ở những vấn đề mà Việt Nam quan tâm.
Theo Đông Phong - Ngụy An (Tri Thức Trực Tuyến)