Các nhà phân tích của tạp chí này cho biết rằng, người Mỹ đã có tính toán chiến lược sai lầm khi nhất quyết cho rằng Nga không thể đạt được trình độ cao trong phát triển vũ khí công nghệ. Nhưng tình hình hiện nay đang khiến Mỹ rất căng thẳng bởi mức độ tụt hậu so với Nga trong một số lĩnh vực thành tựu công nghệ. Trong đó, Nga đang tích cực trang bị vũ khí siêu thanh ở tầm chiến thuật và chiến lược. Đó là tên lửa Avangard sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân, tổ hợp Kinzhal cũng sẽ được đưa vào trang bị, thậm chí cả các tên lửa Zircon triển khai trên biển nhằm chống lại các đội tàu sân bay của đối phương.
Hoàn toàn có thể rằng, cùng với sự phát triển của vũ khí tấn công thì các phương tiện vũ khí cũng đang được chế tạo có khả năng chống lại các tên lửa hiện đại và lực lượng không quân của đối phương. Để đánh trả được bất cứ mối đe dọa trên không nào, Nga đã chế tạo ra các hệ thống Pantsir-S1, S-300 và S-400. Trong đó hệ thống S-400 có thể đánh bắt các máy bay tàng hình và những tên lửa hiện đại nhất của Mỹ. Cùng với sự xuất hiện của tổ hợp S-500, Nga đã có khả năng đánh chặn được các tên lửa siêu thanh, thậm chí cả vệ tinh, các nhà phân tích cho biết. Đó là những kỹ thuật nằm ở trình độ hoàn toàn khác về chất lượng.
Sự tụt hậu của Mỹ so với Nga trong việc chế tạo những vũ khí công nghệ cao này còn được chính các tướng lĩnh quân đội Mỹ thừa nhận. Ví dụ, gần đây tướng John Gitten cho biết, Mỹ hoàn toàn không có khả năng bảo vệ khỏi các tên lửa của Nga, nếu như Nga được trang bị không chỉ Kinzhal mà cả Avangard. Rào cản rất lớn đối với Mỹ đó là việc Nga đang sở hữu bộ ba hạt nhân. Mỹ đã bị bỏ sau một cách trầm trọng, tướng John Gitten khẳng định.
Các nhà phân tích của Strategic Culture cho rằng, tính toán sai lầm của Mỹ là không muốn tin rằng sau khi Liên Xô tan rã, Nga có khả năng phát triển vũ khí vô cùng mạnh mẽ. Tiềm năng quân sự của Mỹ luôn lớn hơn rất nhiều nhờ vào ngân sách quân sự khổng lồ, tuy nhiên từ khi mất đi đối thủ trong những năm 1990, Mỹ đã quyết định ngân sách quân sự không còn dành cho chế tạo vũ khí mà để nhằm giải quyết các nhiệm vụ địa chính trị bằng các cuộc xung đột. Những đối thủ ít phức tạp hơn (Nam Tư, Iraq, Afghanistan) khiến cho quân đội Mỹ như được thả lỏng và ảo tưởng vào sức mạnh của mình. Đây là một tính toán sai lầm và điều này cho phép Nga trở thành một trong những nước dẫn đầu về chế tạo vũ khí công nghệ cao hiện nay.
Theo Sơn Nguyễn (Tiền Phong)