Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 trong 90 ngày sau khi các quan chức tình báo thông báo với Nhà Trắng rằng họ còn hàng loạt bằng chứng chưa được xem xét cần phân tích thêm bằng máy tính, có thể sẽ hé mở nhiều điều về vấn đề này, New York Times dẫn nguồn tin quan chức cấp cao trong chính quyền cho biết.
Các nguồn tin của New York Times từ chối mô tả bằng chứng mới. Tuy vậy việc họ hy vọng sử dụng sức mạnh máy tính để điều tra nghi vấn liệu virus có rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay không cho thấy chính phủ Mỹ vẫn chưa tận dụng cơ sở dữ liệu về liên lạc ở Trung Quốc, lịch trình di chuyển của nhân viên phòng thí nghiệm, cũng như các thông tin khác về đợt bùng phát Covid-19 tại Vũ Hán.
Bên cạnh việc huy động nguồn lực khoa học, tuyên bố kêu gọi của tổng thống Biden được cho là nhằm thúc giục các đồng minh của Mỹ, cũng như các cơ quan tình báo, tiếp tục khai thác những thông tin mà họ có - chẳng hạn như bằng chứng sinh học hay nhân chứng - đồng thời tìm kiếm thêm thông tin mới.
Tổng thống Biden hôm 27/05 cam kết sẽ công bố kết quả điều tra, tuy vậy bổ sung rằng "trừ khi có điều gì đó tôi chưa được biết".
Những ý kiến chỉ trích cho rằng tổng thống Biden đã bỏ qua khả năng virus có nguồn gốc phòng thí nghiệm, cho tới khi chính phủ Trung Quốc tuần này bác bỏ yêu cầu cho phép WHO điều tra thêm.
Các quan chức trong chính quyền của tổng thống Biden cho biết Nhà Trắng hy vọng đồng minh của Mỹ sẽ góp sức nhiều hơn trong việc tìm hiểu một giả thuyết lâu nay được coi là "rất khó xảy ra" hay thậm chí là thuyết âm mưu.
Nỗ lực tìm kiếm bằng chứng từ các thông tin liên lạc thu thập được ở Trung Quốc không đem lại nhiều kết quả. Các quan chức tình báo về hưu hoặc đang đương nhiệm đều tỏ ý nghi ngờ khả năng tìm được email hay tin nhắn, tài liệu cho thấy bằng chứng sự cố phòng thí nghiệm.
Một quốc gia đồng minh đã chuyển cho Mỹ thông tin ba nhân viên Viện Virus học Vũ Hán từng phải nhập viện vì triệu chứng nặng giống cảm cúm hồi mùa Thu năm 2019. Đây được coi là thông tin quan trọng, nhưng các quan chức cảnh báo nó không phải là bằng chứng cho thấy họ nhiễm virus ở phòng thí nghiệm, bởi vẫn có khả năng họ nhiễm bệnh ở ngoài.
Nhà Trắng cũng được cho là hy vọng các đồng minh và đối tác có thể sử dụng mạng lưới nhân lực để tìm hiểu điều gì đã xảy ra bên trong phòng thí nghiệm, theo New York Times.
Cuộc điều tra chưa đi đến ngõ cụt, một quan chức cấp cao của chính quyền tổng thống Joe Biden khẳng định. Tuy vậy, các nguồn tin của new York Times không nêu rõ họ muốn phân tích máy tính như thế nào.
Giống như giới khoa học và công chúng nói chung, cộng đồng tình báo Mỹ hiện vẫn chưa chắc chắn về nguồn gốc virus. Chưa có thông tin tình báo quan trọng nào được báo cáo, trong khi các quan chức bày tỏ sự thận trọng về những thông tin có thể thu thập được trong 90 ngày tới.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) sẽ công bố báo cáo vào cuối mùa Hè, tuy vậy cuộc điều tra nhiều khả năng sẽ được gia hạn thêm.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark A. Milley hôm 26/05 cho biết ông chưa thấy bằng chứng xác thực nào về nguyên nhân dịch bệnh, tuy vậy ủng hộ một cuộc điều tra sâu rộng hơn.
Nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc Covid-19 của Mỹ bắt đầu từ hơn một năm trước, dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Tuy vậy, một số quan chúc ở thời điểm đó thận trọng về vấn đề này, cho rằng việc ông Trump muốn điều tra nguồn gốc Covid-19 là để đánh lạc hướng các ý kiến chỉ trích cách chính quyền của ông đối phó với đại dịch, hoặc để trừng phạt Trung Quốc.
Các quan chức đương nhiệm của Mỹ cho biết mục tiêu quan trọng nhất hiện tại là chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.
Trong tuyên bố hôm 26/05, tổng thống Biden cho biết có hai cơ quan tình báo tin rằng virus nhiều khả năng xuất hiện trong tự nhiên và ít nhất một cơ quan ủng hộ giả thuyết rò rỉ do sự cố phòng thí nghiệm. Chưa có cơ quan tình báo nào có mức độ tin tưởng cao đối với đánh giá của họ, theo ông Biden.
Trong tuyên bố hôm 27/05, phát ngôn viên ODNI Amanda J. Schoch cho biết các cơ quan tình báo đã nỗ lực điều tra hai kịch bản có thể xảy ra, tuy vậy hiện chưa có kết luận nào có độ tin cậy cao về nguồn gốc của virus.
"Cộng đồng tình báo Mỹ không biết chính xác virus Covid-19 lây truyền ban đầu ở đâu, khi nào, như thế nào," bà Schoch nói.
Cộng đồng tình báo Mỹ bao gồm 18 cơ quan, tuy vậy chỉ có một số cơ quan tham gia điều tra nguồn gốc Covid-19. Hầu hết cộng đồng này, bao gồm CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, cho rằng hiện chưa có đủ thông tin để đưa ra kết luận, kể cả với mức độ tin cậy thấp, về nguồn gốc virus.
Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận giả thuyết virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đồng thời chỉ trích Mỹ truyền bá "thuyết âm mưu" và chính trị hóa đại dịch.
"Động cơ và mục đích" của chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden "đã rõ ràng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm 27/05.
"Lịch sử đen tối của cộng đồng tình báo Mỹ được cả thế giới biết đến từ lâu," ông Triệu cho hay, nhắc tới các cáo buộc vô căn cứ của Mỹ về vũ khí hủy diệt hàng loạt để biện minh cho cuộc chiến ở Iraq.
Việc khơi lại giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm "là thiếu tôn trọng đối với khoa học... và cũng làm gián đoạn nỗ lực chống đại dịch toàn cầu," ông Triệu nói thêm.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)