Tổng thống Mỹ Joe Biden lệnh cho các cơ quan tình báo nước này "một lần nữa tăng gấp đôi nỗ lực" để Nhà Trắng nhận được báo cáo về nguồn gốc đại dịch COVID-19 trong vòng 90 ngày tới, hãng tin AFP cho hay.
Ông Biden hôm 26-5 yêu cầu các cơ quan tình báo thu thập và phân tích thông tin để Washington có thể "tiến gần hơn tới kết luận cuối cùng" cho câu hỏi liệu virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19) là sản phẩm rò rỉ các phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay COVID-19 thực sự là một dịch bệnh lây từ động vật sang người.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, ông Adam Schiff tin tưởng rằng ngành tình báo Mỹ sẽ phối hợp với các cơ quan khác trong chính quyền Washington tiếp tục theo đuổi các nỗ lực điều tra và hoàn thành báo cáo trong 90 ngày đúng theo yêu cầu của ông Biden.
Ông Schiff cũng lưu ý rằng cộng đồng tình báo Mỹ cần tránh "nóng vội" và kết luận điều tra không được "mang động cơ chính trị".
Đồng thời, ông Schiff kêu gọi Trung Quốc hợp tác trong quá trình điều tra. Nhà lập pháp này nói: "Việc Bắc Kinh tiếp tục cản trở cuộc điều tra minh bạch, toàn diện về các sự kiện và dữ liệu liên quan tới nguồn gốc virus (SARS-CoV-2) có thể chỉ làm trì hoãn công việc quan trọng cần thiết để giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch tiềm tàng tiếp theo".
Trước đó, ông Biden trong tháng 3 đã yêu cầu một báo cáo về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Khi đó, ông Biden cho biết cộng đồng tình báo Mỹ chưa có kết luận chính xác mà chỉ "tập hợp xung quanh hai kịch bản có thể xảy ra" là dịch COVID-19 lây từ động vật hoặc do một sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm virus học.
Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đã nộp cho Tổng thống Biden đánh giá về hai giả thuyết này khoảng một tháng trước, song nhấn mạnh nội dung báo cáo là thông tin mật.
Bà Jean-Pierre cũng cho biết Mỹ "vẫn chưa loại trừ bất kỳ điều gì" có thể trả lời câu hỏi về nguồn gốc COVID-19.
WHO vẫn đối mặt với bài toàn khó về điều tra nguồn gốc COVID-19
Câu hỏi về các bước tiếp theo trong cuộc điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nguồn gốc COVID-19 sẽ được đưa ra thảo luận trong kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) đang diễn ra trong tuần này, theo tờ South China Morning Post.
WHO đã công bố một báo cáo về nguồn gốc đại dịch sau chuyến điều tra tại Trung Quốc, song phương Tây cho rằng báo cáo có những sai sót do sự thiếu minh bạch và sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc.
Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố đã minh bạch thông tin, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận có một số vấn đề cản trở các chuyên gia quốc tế tiếp cận đầy đủ dữ liệu cần thiết.
Hiện nay, một số nước như Mỹ, Nhật, Anh hay các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi tiến hành giai đoạn mới để tiếp tục điều tra nguồn gốc COVID-19.
Hôm 25-5, đại diện của Mỹ tham dự WHA là ông Jemery Konyndyk đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra mạnh mẽ, toàn diện và do chuyên gia dẫn dắt về nguồn gốc COVID-19". Ông Konyndyk lưu ý rằng cuộc điều tra không nhằm đổ lỗi mà là để chuẩn bị đối phó và ngăn chặn các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.
Trung Quốc cũng tuyên bố ủng hộ các nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc đại dịch, song nhấn mạnh rằng "phần của Trung Quốc" trong cuộc điều tra này đã được hoàn thành và đến lúc các nước khác cần hợp tác - ám chỉ khả năng virus SARS-CoV-2 không xuất phát từ Trung Quốc.
Chuyên gia quản trị y tế toàn cầu, giáo sư Sara Davies cho rằng một cuộc điều tra "cân bằng" giữa mong muốn của Trung Quốc và kỳ vọng của Mỹ sẽ là "một điều khó khăn".
Ông Davies nhận thấy "Mỹ và các đồng minh không hài lòng và có nhiều câu hỏi hơn muốn được trả lời" nhưng Trung Quốc "khá kiên quyết" rằng họ đã hoàn thành nghĩa vụ hợp tác điều tra.
Trung Quốc nhiều lần bác bỏ giả thuyết virus SARS-CoV-2 là sản phẩm trong phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán - nơi các ca nhiễm đầu tiên được phát hiện - và tức giận cáo buộc Mỹ "lan truyền các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch".
Tuy nhiên, dư luận và các chính khách Mỹ, nhất là các thành viên đảng Cộng hòa, không ngừng bày ra những thông tin được cho là chứng minh nguồn gốc nhân tạo của virus SARS-CoV-2.
Mới đây nhất là thông tin tình báo mà tờ The Wall Street Journal tiếp cận được, cho thấy ba người làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán đã nhập viện với các triệu chứng tương tự bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngay từ tháng 11-2019, tức là một tháng trước khi Bắc Kinh xác nhận ca nhiễm đầu tiên.
Theo Hoàn Đức (Pháp Luật TPHCM)